Hàng vạn người dân Thừa Thiên Huế và các Đội Cứu quốc quân tiến về sân vận động Huế Mùa thu Tháng 8/1945 (ảnh tư liệu) |
Những trang sử hào hùng
Đầu năm 1945, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn quyết định. Ngày 9/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, Chiến tranh Thế giới lần thứ hai kết thúc.
Trước đó, tại Đông Dương, ngày 9/3/1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh phù hợp.
Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng ta họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền.
Từ ngày 14 đến ngày 18/8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam… Ngày 19/8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu… Ngày 25/8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre… Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.
Tạo thế và lực mới để cách mạng Việt Nam thắng lợi
Thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với việc ra đời bản Tuyên ngôn Ðộc lập ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại, kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội.
Đình Bàn Môn, xã Lộc An (Phú Lộc) nơi từng tổ chức mít tinh bí mật hưởng ứng chủ trương kháng Nhật cứu nước của Mặt trận Việt Minh (Ảnh: Anh Phong) |
Sự ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập đã mở ra một thời kỳ mới cho dân tộc Việt Nam trên con đường phát triển, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập, khẳng định rõ vai trò, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do; là thành quả, sự hi sinh, sức mạnh của toàn thể Nhân dân. Trong hành trình gian khó ấy, có Đảng lãnh đạo, với đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo, với sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc. Đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính Nhân dân rất sâu sắc, thật sự là “đem sức ta tự giải phóng cho ta”.
Bên cạnh đó, bản Tuyên ngôn độc lập còn là cơ sở pháp lý vững chắc, không chỉ khẳng định chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước thế giới mà còn mở ra một thời kỳ mới của dân tộc ta, Nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Kế thừa và phát huy những thành tựu vĩ đại
Bước vào thời kỳ đổi mới, với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; trên cơ sở những kết quả đạt được, Nhân dân Việt Nam tiếp tục tăng cường tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao và liên tục nhiều năm. Mức sống, thu nhập của người dân được cải thiện rõ rệt. Văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được bảo vệ vững chắc. Quan hệ đối ngoại của nước ta với các nước và tổ chức quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thường xuyên. Niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạocủa Đảng, quản lý của Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay" như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định.
Hòa chung trong dòng chảy của đất nước, Đảng bộ và Nhân dân Thừa Thiên Huế đã kiên cường trong chiến đấu, bền bỉ trong xây dựng và phát triển, vươn lên đạt được những thành tựu quan trọng. Bức tranh kinh tế - xã hội thay đổi rõ nét; kinh tế tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế biển và đầm phá đang trở thành động lực phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư, phát triển. Bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khởi sắc. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được được giữ vững; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị luôn được quan tâm; bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
Những kết quả đó, tạo tiền đề vững chắc để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian đến.
Người dân làng Bàn Môn nói về lịch sử truyền thống trong những ngày Cách mạng Tháng 8/1945 (Ảnh: Phong Anh) |
Kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công và Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta tự hào với những trang sử vàng và thành tựu phát triển của quê hương, đất nước. Đồng thời, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, bất khuất, vẻ vang của Đảng, của dân tộc; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, lòng yêu quê hương, đất nước, ý chí tự lực tự cường và sức sáng tạo. Nắm bắt vận hội và thời cơ mới, nêu cao quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2024, tạo tiền đề quan trọng thực hiện thành công Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.