Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN 

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư mới có thể xử lý thấu đáo khó khăn, bất cập trong tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.

Đến giữa tháng 9/2024, các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo kết quả rà soát, phân loại các dự án đầu tư công theo nhóm đang thực hiện với cam kết tiến độ rõ ràng; nhóm không thể triển khai do vướng mắc cơ chế, chính sách pháp luật; từ đó đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao hoặc phân bổ thêm vốn cho các dự án có khả năng hấp thụ.

“Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động triển khai những công việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm trong quá trình chuẩn bị dự án, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng…; chỉ kiến nghị điều chỉnh, bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét điều chỉnh, ứng trước nguồn vốn của Trung ương để bảo đảm tiến độ triển khai các dự án mang tính chất liên vùng, biến đổi khí hậu… trong khi địa phương chưa bố trí được ngân sách đối ứng.

Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về các nội dung liên quan đến sử dụng vốn vay của các tổ chức quốc tế; xử lý vướng mắc giữa pháp luật về đầu tư và xây dựng; bảo đảm vật liệu xây dựng cho các dự án…

5 cơ quan giải ngân rất thấp

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 cơ quan khoảng 231.667 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết khoảng 228.567 tỷ đồng, đạt 98,66%. Trong đó có 18 cơ quan đã phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết khoảng 3.100 tỷ đồng, chiếm 1,34%. Số vốn chưa phân bổ hết thuộc 11 cơ quan.

Về tiến độ giải ngân, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan khoảng 87.073 tỷ đồng, đạt gần 37,6%, cao hơn mức bình quân cả nước là 34,68%. Trong đó, có 8 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước, 16 cơ quan giải ngân thấp (từ 10-34%), 5 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).

Tình trạng chậm phân bổ kế hoạch vốn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp của một số bộ, ngành, địa phương là do: Chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; giảm nhu cầu so với hoạch vốn đã giao; chậm điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; vướng mắc trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chưa cân đối đủ nguồn ngân sách đối ứng của địa phương để giao kế hoạch vốn năm 2024; tổ chức giải phóng mặt bằng, tái định cư chưa tốt…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận những giải pháp tăng cường nhân lực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và tiến độ thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng cho dự án; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, bám sát quá trình xử lý của các cơ quan chuyên môn để kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các cơ quan liên quan, sửa đổi Luật Đầu tư công theo hướng tăng cường phân cấp, nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn; tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh giảm 5.251,476 tỷ đồng (dự kiến) của 6 cơ quan để bổ sung cho các bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu. Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát lại tiến độ giải ngân theo kế hoạch vốn được giao, chủ động xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; phối hợp với cơ quan chuyên môn để rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.

Lãnh đạo các tỉnh Thanh Hóa, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Nam… khẳng định sẽ nỗ lực hết sức, phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu về tỷ lệ giải ngân đề ra của năm 2024 trên tinh thần bám sát nhiệm vụ, gỡ khó kịp thời hoặc nhanh chóng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.

Theo baotintuc.vn