Mẹ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (ở giữa choàng khăn) cùng vợ chồng Đại tướng (thứ 3 và 4, hàng thứ hai từ phải qua) và các con cháu. Ảnh: thanhnien.vn |
Sinh thời, mẹ là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ Việt Minh, tham gia đấu tranh chính trị, biểu tình chống lại đám cường hào, địa chủ tay sai và thực dân Pháp. Bàn tay phải chỉ có 4 ngón của mẹ là minh chứng rõ nhất cho sự đấu tranh kiên cường, bất khuất ấy. Trong một cuộc biểu tình mẹ tham gia, tên sĩ quan Pháp giơ khẩu súng ngắn lên dọa nếu đoàn người không giải tán, hắn sẽ bắn. Mẹ nắm lấy nòng súng của tên quan Pháp và bị hắn bắn làm bị thương mất một ngón tay và một phần bàn tay phải. Nhưng ít ai biết rằng, đôi tay mất đi một ngón ấy đã làm nên những bữa cơm đậm chất Huế, đồng hành cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong những ngày kháng chiến gian khổ.
Sau Cách mạng tháng Tám, đồng chí Trần Quý Hai được tăng cường cho mặt trận Thừa Thiên Huế trước tình hình quân Pháp có khả năng quay trở lại và tiến hành cuộc chiến tranh mới ở Đông Dương. Ông ra Huế và cùng làm việc với đồng chí Nguyễn Chí Thanh, thời điểm này là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ và ấn tượng với tinh thần, thái độ quyết liệt của người thủ trưởng can trường: Chung quy, chúng muốn đánh chiếm cả nước ta mà thôi. Cho nên chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Hễ có lệnh là chúng ta đánh dập đầu chúng tức khắc. Đôi mắt đồng chí Nguyễn Chí Thanh rực lên cương quyết để rồi mãi lưu lại trong ký ức của đồng chí Trần Quý Hai.
Gần tối, đồng chí Hai về nhà riêng của đồng chí Nguyễn Chí Thanh bấy giờ bố trí phía trong Thành Nội. Nhà nhỏ và hẹp, xung quanh có mảnh vườn nho nhỏ trồng cà, ớt, rau khoai. Hôm đó, mẹ đồng chí Nguyễn Chí Thanh lên chơi. Bà đã già, ngoài sáu mươi nhưng còn rất khỏe, da dẻ hồng hào, tóc mới điểm bạc. Bữa cơm đã dọn sẵn. Giữa mâm, có đĩa mít luộc chấm mắm nêm, vài con cá thệ kho khô, một bát canh rau ngót nấu với tôm, đặc biệt có đĩa thịt heo thái rất mỏng để bên cạnh chén con tôm chua và đĩa khế, chuối chát xắt lát, trên rắc mấy ngọn rau thơm, rau răm và mấy quả ớt đỏ mọng. Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cười: Hôm ni ăn sang ghê! Bà mẹ cũng cười: Chưa sang mô, còn sang nữa tê!
Bà xuống bếp, bưng lên một nồi cơm. Lúc mở vung, cơm trắng tinh, mùi thơm bay ra thơm phức. Bà lấy đũa xới cơm ra bát, nói nói, cười cười: Gạo de đây! Gạo de An Cựu đây! Rồi bà đọc luôn: Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi - Gạo de An Cựu để nuôi mẹ già!
Tiếng cười của bà vang lên, sang sảng, vô tư: Gạo de An Cựu để nuôi mẹ già! Nhưng chính tôi nuôi hắn, không phải hắn nuôi tôi. Hôm ni, dì hắn ở An Cựu biết tôi lên chơi có đem sang cho tôi một miếng thịt và mấy lon gạo de, của nhà làm lấy, không phải mua mô. Ăn đi anh, ăn cho biết gạo de An Cựu xứ Huế. Gạo ni trước chỉ có vua chúa ăn chứ con nhà nghèo bọn mình đâu dám rờ tới. Ăn đi anh, ăn cho biết mùi đời!
Họ vui vẻ cầm đũa. Đó là bữa cơm ngon, đậm đà vị Huế mà tướng Trần Quý Hai được thưởng thức. Và rồi, cuộc kháng chiến toàn quốc nổ ra, những bữa cơm ngon như thế chỉ còn là ký ức. Sau khi rút khỏi Huế, Tỉnh ủy Thừa Thiên chọn Hòa Mỹ làm chiến khu, xây dựng căn cứ địa để kháng chiến lâu dài. Bấy giờ, tướng Nguyễn Chí Thanh lần lượt đảm nhận Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên (từ tháng 11/1946 – 3/1947), Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên (3/1947 – 5/1948), tướng Trần Quý Hai là Chính ủy mặt trận Bình Trị Thiên.
Mẹ của đồng chí Nguyễn Chí Thanh cũng theo con lên chiến khu. Đồng chí Trần Quý Hai một hôm sau khi đi công tác về đã đến nhà của Nguyễn Chí Thanh ở chiến khu. Ông thấy người mẹ đang nhào một thứ bột gì trăng trắng trong chiếc mũ sắt, dưới mái hiên là nơi có nhiều ánh sáng nhất vì lúc đó nhà toàn dựng dưới rừng rậm, âm u. Trần Quý Hai cất lời chào: - Thưa bác ạ!
Bà ngước đôi mắt leo nheo, nhìn lên: - À, anh Hai mấy lâu ni đi mô mà vắng cái mặt?
- Dạ, cháu vô trong miệt Phú Vang, Phú Lộc ạ!
Trần Quý Hai nói tiếp:
- Bác đang làm chi đó!
- À, nhào bột sắn để nấu thành cháo bánh canh.
Rồi bà nói tiếp như giãi bày:
- Đã gần một tuần ni rồi không có gạo. Họ đem tới cho một ít thì hắn không nhận. Hắn nói đưa sang bên bệnh viện cho anh em thương, bệnh binh. Tôi định ra Hòa Mỹ mua, ngoài nớ có bán gạo. Hắn cũng không cho. Hắn nói người ta ăn chi thì mình ăn nấy. Người ta ăn được thì mình ăn được. Anh coi, như rứa có kỳ quặc không chớ!
Đồng chí Trần Quý Hai cười, không nói gì vì ông biết tính của người bạn mình từ hồi ở tù Buôn Ma Thuột. Nguyễn Chí Thanh là một con người rất chan hòa với mọi người, có sướng cùng sướng, có khổ cùng khổ, được đồng đội, Nhân dân rất quý trọng. Trong lúc mọi người đang thiếu thốn, phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa thì Nguyễn Chí Thanh không muốn ăn gạo dù rằng có thể tự dùng tiền của mình mua lấy.
- Mấy bữa ni, toàn sắn là sắn, hết luộc, xắt lát, đến mài làm bánh bột lọc, bánh ú, bánh lá, bánh nậm, đủ các thứ bánh… Hôm ni nấu cháo bánh canh. Người ta nấu cháo bánh canh với tôm, với cá tràu, với cá cơm, cá phát lát, mình thì nấu cháo bánh canh với… muối! Bà mẹ nhấn mạnh chữ “muối” rồi cười khanh khách, một cách thoải mái, vô tư!
Đồng chí Trần Quý Hai mở cái túi xách lấy ra một gói giấy đã chuẩn bị trước để làm quà cho bà.
- Dạ, cháu đem về biếu bác…
- Chi rứa? Vừa hỏi bà vừa mở gói giấy:
- Chà, tôm khô, cá ngừ, cá thu… Tôm cá phá Tam Giang hả? Bỗng bà cười:
- Tôm cá ni mà ăn với sắn thì quá tiếc… Thôi, để dành, khi mô có gạo rồi ăn!
Tấm lòng và sự đồng cam cộng khổ của mẹ Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ngày ấy đã khiến đồng chí Trần Quý Hai cảm động. Họ đã cùng chung sức, chung lòng và giành lấy chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Và người mẹ là hậu phương vững chắc để Đại tướng nỗ lực cống hiến cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước tiếp sau đó. Mẹ là biểu tượng của tình thương, với bao sự hy sinh thầm lặng góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng.
(Bài viết có tham khảo Hồi ký Những ngày khói lửa, Trần Quý Hai (1984), NXB Thuận Hóa)