Đại tá Phạm Văn Hóa (bìa trái) cùng tác giả

Sự việc diễn ra đã gần 55 năm. Với ông, hình ảnh người chiến sĩ trẻ tuổi ấy như vẫn còn sống mãi. Đại tá Phạm Văn Hóa nhớ lại:

Ngày ấy, tôi là cán bộ Đại đội C15 đặc công. Đơn vị chúng tôi được lệnh vượt vĩ tuyến 17, qua sông Bến Hải vào mặt trận B5 phối hợp với Tiểu đoàn 33 đặc công đánh tập kích bọn Mỹ - Ngụy đóng trên toàn tuyến phía nam vĩ tuyến 17, từ các cứ điểm Khe Sanh, Đầu Mầu, Đồng Lâm, căn cứ Cu Lơ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cao điểm 31 đến căn cứ thôn 8, quân cảng Cửa Việt...

Đầu tháng 2/1969, đơn vị chúng tôi được lệnh cùng với Đại đội đặc công C270 (thuộc Khu đội Vĩnh Linh cũ) tiến hành diệt "thôn 8". Mũi do tôi phụ trách có nhiệm vụ đánh "mật tập": Từ phía biển bí mật luồn qua các lớp hàng rào bảo vệ đánh vào các lô-cốt, tiêu diệt xe tăng của địch ở phía đông nam và các mục tiêu khác, để phối hợp với 3 mũi còn lại. Khi mũi của chúng tôi luồn sâu vào cách "thôn 8" khoảng 30m thì thấy trong căn cứ phát ra tiếng nổ và ánh chớp lóe lên. Tôi chột dạ: Sao chưa đến giờ G mà các mũi khác lại nổ súng? Hay là 3 mũi kia bị lộ nên đã đánh vào rồi mà mình chưa vào được? Tôi quyết định cho đội hình nằm lại, gọi 2 đồng chí tổ trưởng lên hội ý và quyết định chuyển qua phương án 2 là đánh “cường tập” (bởi yếu tố “mật tập” đã bị lộ).

Theo đó, một số đồng chí bám chặt vào hàng rào làm điểm tựa, số còn lại nhảy lên lưng và vai các đồng chí đó, vượt qua các lớp hàng rào để đánh chiếm các mục tiêu như đã phân công. Nhưng khi áp sát hàng rào, chúng tôi phát hiện ra đó là ánh chớp của pháo trên tháp xe tăng địch bắn về hướng bắc và tây bắc chứ không phải ánh chớp của bộc phá. Có lẽ 2 hướng kia bị lộ nên địch tập trung hỏa lực bắn về phía đó. Riêng hướng của tôi, mặc dù đã luồn khá sâu vào sau lưng căn cứ nhưng vẫn chưa bị lộ, như vậy vẫn có thể bí mật quay lại đánh theo phương án 1 là đánh “mật tập” để tạo bất ngờ.

Nhưng khi chúng tôi trở lại thì một đồng chí vô ý chạm phải quả mìn sáng. Lập tức ánh chớp lóe lên, mìn nổ chiếu sáng rực cả một góc trời, thấy rõ mồn một từng gốc cây, ngọn cỏ. Một vùng "trắng" hiện ra dưới ánh xanh ma quái của các loại mìn sáng. Gần như ngay tức thì, địch quay hỏa lực bắn về chúng tôi như vãi đạn. Tiếp theo, chúng gọi pháo từ ngoài biển Cửa Việt bắn vào dồn dập, trên trời máy bay quần thảo thả bom như trút vào giữa đội hình. Tôi và nhiều đồng chí bị thương. Tôi động viên anh em hãy cố gắng giúp nhau băng bó vết thương, ngớt đợt bom sẽ cùng nhau vượt qua "bãi trắng". Tôi xem đồng hồ: hơn 3 giờ, gần sáng rồi. Không thể chần chừ được nữa. Nếu bị kẹt lại đây, trời sáng, toàn đội sẽ hy sinh. Tôi ra lệnh cho anh em nhanh chóng vượt qua dưới làn hỏa lực địch. Cả đội hình nhanh chóng vận động vượt qua "bãi trắng", rất may không ai bị thương thêm. Nhưng khi đến bãi dương liễu thì bất ngờ một chiếc máy bay UH13 lướt ngang trên đầu chúng tôi. Tôi chỉ kịp hô: "Tất cả nằm xuống!", thì bất ngờ mình bị xô rất mạnh và ai đó đè lên người, cùng lúc một loạt rốc-két từ máy bay phóng xuống chính giữa đội hình. Hai tai tôi ù đặc, mùi thuốc bom khét lẹt, nhưng tôi vẫn nhận ra người đè lên tôi là cậu Quyết, y tá của đơn vị, quê xã Cự Nẫm, Bố Trạch, Quảng Bình, là người trẻ nhất đội.

Khi lấy thân mình che cho tôi, Quyết đã dính nhiều mảnh rốc-két và bị thương rất nặng. Quyết thì thào: "Thủ trưởng và anh em rút ra khỏi đây ngay, để em ở lại. Nếu không trời sáng lên, mọi người cũng chết!". Thấy tôi chần chừ, cậu nói: "Thủ trưởng và mọi người đi ngay đi. Em ra lệnh cho thủ trưởng đấy!". Tôi nghĩ: "Không được để đồng đội lại đây, bằng mọi giá phải đưa Quyết ra khỏi nơi đây". Do vết thương quá nặng, không đủ sức bám vào vai người cõng, chúng tôi phải dùng khăn dù ngụy trang buộc hai tay Quyết lại và luồn qua cổ để thay nhau cõng Quyết bò đi dưới làn mưa bom, bão đạn. Và Quyết đã trút hơi thở cuối cùng trên vai tôi khi chưa đầy 19 tuổi.

Ra khỏi hàng rào, trời cũng vừa hửng sáng. Trên trời, máy bay L19 của địch bắt đầu vè vè đảo tìm Việt Cộng. Không thể tiếp tục đi được nữa, chúng tôi buộc phải giấu tạm Quyết dưới gốc một cây dương liễu già và tìm các hầm pháo để ẩn nấp, đợi trời tối đưa Quyết ra. Hôm đó, chúng tôi nhịn đói cả ngày, lấy nước dưới các hố bom còn khét mùi thuốc súng uống cho đỡ khát. Đến tối, quay vào tìm Quyết nhưng địa hình đã thay đổi do trận bom ngày trước và sương mù đầu tháng xuống quá dày, nên chúng tôi lần mò cả đêm mà vẫn không thể tìm được Quyết. Gần sáng, chúng tôi lại phải rút ra hầm cũ để tránh máy bay địch và nhịn đói thêm một ngày nữa. Chiều hôm sau, tôi quyết định phải đi trước khi trời tối, lần theo những gốc dương bật gốc, cháy sém vì bom đạn để tìm và đưa được Quyết ra đến bờ bắc và cùng Nhân dân xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị làm lễ truy điệu và mai táng Quyết bên bờ sông Hiền Lương lịch sử...

(Ghi theo lời kể của Đại tá Phạm Văn Hóa)

Nguyễn Văn Hùng