Dự án cầu vượt cửa biển Thuận An đang được đẩy nhanh tiến độ |
Tăng tốc
Sôi động là không khí được ghi nhận tại hầu hết các dự án đầu tư từ ngân sách trên địa bàn. Hầu hết, các dự án đang trong quá trình đầu tư và có mặt bằng đều tăng tốc thi công, nhất là các dự án trọng điểm.
Trên công trường dự án cầu vượt sông Hương, các công nhân thực hiện thi công theo 3 ca nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án. Hiện, các hạng mục thi công vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, quy mô dự án và tiến độ dự án với tỷ lệ thi công hơn 80%.
Nhìn từ xa, hình hài của cây cầu này đã phần nào hiện hữu với hình vòm thép màu vàng cao hơn 30m, tạo điểm nhấn giữa sông Hương. Riêng phần đường dẫn vào 2 đầu cầu, các đơn vị liên quan đang tăng tốc giải phóng mặt bằng. Đơn vị thi công cũng thực hiện thi công theo hình thức cuốn chiếu, bàn giao mặt bằng đến đâu tiến hành tháo dỡ, tạo mặt bằng sạch để thi công đến đó, nhằm đảm bảo tiến độ dự án.
Dự án cầu vượt cửa biển Thuận An cũng không ngoại lệ khi tiến độ dự án đang được đẩy nhanh với hơn 70% khối lượng thi công theo kế hoạch đã hoàn thành.
Với một số dự án đang gặp khó khăn liên quan tới công tác giải phóng mặt bằng, bên cạnh việc tăng cường công tác phối hợp nhằm tháo gỡ các vướng mắc, các đơn vị thi công cũng đẩy nhanh tiến độ thi công với phương châm, bàn giao mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Đồng thời thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện, giải ngân. Tại dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II (Các đô thị xanh) tiểu dự án Thừa Thiên Huế, đại diện Ban quản lý dự án cho biết, dự án có 10 gói thầu xây lắp, trong đó 7 gói thầu xây lắp cần giải phóng mặt bằng khiến tiến độ thực hiện dự án gặp không ít khó khăn.
Trước rào cản ấy, Ban quản lý dự án đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét thẩm định và tham mưu UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Theo đó, Ban quản lý dự án đã xin điều chỉnh thời gian kết thúc dự án là ngày 30/6/2028. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án sẽ đảm bảo đủ cơ sở pháp lý để triển khai các bước tiếp theo, không làm thay đổi tổng giá trị cam kết vay của hiệp định vay và viện trợ đã ký giữa Chính phủ Việt Nam với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), không làm thay đổi mục tiêu và phạm vi của dự án, không thay đổi tổng vốn đối ứng đã được phê duyệt.
Thúc đẩy giải phóng mặt bằng
Việc khẩn trương trong thực hiện thủ tục và thi công các dự án đầu tư từ ngân sách nhà nước đã tạo đà thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính cả các nguồn vốn đầu tư công giao bổ sung trong năm, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2024 của tỉnh đã giao gần 8.154 tỷ đồng. Hiện, toàn tỉnh đã giải ngân 40,8% so với kế hoạch. Kết quả giải ngân hiện nay cao hơn cùng kỳ năm 2023 về cả tỷ lệ (cùng kỳ năm 2023 là 38,8%) và giá trị tuyệt đối (cùng kỳ năm 2023 là 2.297 tỷ đồng). Để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên 95% theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, đến hết tháng 9, Thừa Thiên Huế phải giải ngân 4.989 tỷ đồng/6.958 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch và cả năm 2024 phải giải ngân 6.833 tỷ đồng/6.958 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua công tác theo dõi, giám sát, Sở nhận thấy công tác giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh 7 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, tiến độ thực hiện công tác đền bù, hỗ trợ tái định cư, thời gian bàn giao mặt bằng vẫn còn rất chậm, đặc biệt là trên địa bàn thành phố Huế. Nhiều công trình thi công dang dở, kéo dài nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và đời sống của người dân trong vùng dự án. Công tác chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế bản vẽ thi công, lựa chọn nhà thầu của một số dự án còn chậm, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, dẫn đến việc chậm khởi công công trình. Năng lực của một số chủ đầu tư và ban quản lý dự án còn nhiều hạn chế, thụ động trong việc đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Công tác phối hợp với các sở, ngành và các bên liên quan vẫn còn thiếu tính chủ động; việc xử lý các nhà thầu vi phạm vẫn còn chưa kiên quyết và kịp thời.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các sở, ngành và chủ đầu tư cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn hằng năm, không để sau khi giao kế hoạch vốn mới bắt đầu triển khai các công việc. Tập trung giải quyết công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư kịp thời, đúng quy định cho người dân, bảo đảm đúng pháp luật và hài hòa lợi ích của Nhà nước và người dân, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án trọng điểm của tỉnh.
Tại kỳ họp thường kỳ của UBND tỉnh mới đây, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các sở, ban, ngành và địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư, cơ quan quản lý bám sát kế hoạch, mục tiêu giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, quý đã đăng ký để bảo đảm tiến độ, khối lượng cam kết; khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án dự kiến khởi công mới cuối năm 2024. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả 4 tổ công tác giám sát, quản lý dự án đầu tư của UBND tỉnh để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư trên địa bàn sớm về đích.