Phan Ngọc Hiếu đưa hoa giấy Maypaperflower sang giới thiệu với khách hàng ở Úc. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Chào Hiếu, em có thể kể về cái “duyên” đến với hoa giấy không? Vì sao lại là hoa giấy mà không phải một cái gì khác?

Cách đây 12 năm, em có về làng Thanh Tiên chơi và bị thu hút bởi hoa giấy nơi đây. Bình thường em rất thích hoa rồi. Hồi đó em làm nhân viên ngân hàng và còn mở thêm 1 tiệm hoa tươi nữa. Ngay khi thấy chất liệu giấy có thể làm hoa thì em bắt tay tìm hiểu về hoa thủ công bằng giấy. Ban đầu là học hỏi từ các bác ở làng nghề, sau thì tự làm, tự thiết kế lên những bông hoa trang trí có chất liệu bằng giấy. Em thích chất liệu giấy vì nó thân thiện với môi trường.

Học Trường đại học Kinh tế mà lại chuyển sang làm hoa giấy, ban đầu mọi người trong gia đình có ủng hộ em không?

Em học kinh tế chuyên ngành Ngoại thương, nhưng có đam mê nghệ thuật từ nhỏ. Em mê hội họa nhưng lại không chọn học ngành này, bởi theo định hướng của ba mẹ để dễ có thể có được việc làm tốt hơn. Dù vậy, em vẫn theo đuổi đam mê của mình. Em không cảm thấy việc học về kinh tế là điều bất lợi, mà nó đã giúp em thêm nhiều kiến thức cho việc khởi nghiệp hiện tại liên quan tới ngành nghề em đam mê. Em bắt đầu khởi nghiệp với hoa giấy năm 2019, khi đang là một “mẹ bỉm sữa”. Gia đình lúc đầu cũng phản đối do thấy em khởi nghiệp cực quá, nhưng sau cũng ủng hộ. Giờ thì ba mẹ rất tự hào khi con gái đã thực hiện được ước mơ của mình.

Vậy Maypaperflower có nét đặc trưng riêng gì so với các loại hoa giấy truyền thống khác?

Hoa giấy của em được thiết kế lại cho phù hợp với phong cách hiện đại, khác với hoa truyền thống chủ yếu phục vụ cho việc thờ cúng tâm linh. Có rất nhiều bạn trẻ tham gia việc làm hoa giấy, em không muốn so sánh với ai, bởi tất thảy đều mong muốn phát triển hơn sản phẩm thủ công của nước nhà. Trong dự án này, điều em tâm huyết nhất là mong muốn được kế thừa, đồng thời có thể là người tạo kết nối giữa truyền thống và hiện đại nhằm lưu giữ, bảo tồn nghề làm hoa giấy truyền thống ở Huế.

Nhiều người cho rằng hoa giấy bán trong nước còn khó huống hồ bán ở nước ngoài, vậy mà Hiếu đã đưa hoa giấy Maypaperflower sang tận châu Âu và cả châu Úc. Chặng đường đó hẳn đầy gian nan và thử thách?

Đúng vậy! Hồi mới bắt đầu khởi nghiệp với hoa giấy, mọi người cho rằng em bị khùng, vì hoa giấy khó bán lắm. Người ta chỉ nhìn thấy chất liệu giấy là rẻ, chứ không nghĩ rằng để tạo nên sản phẩm hoa hoàn thiện, mỗi nghệ nhân phải trải qua biết bao nhiêu phần việc. Thực tế, hành trình mang hoa giấy ra thị trường quốc tế của Maypaperflower  trải qua rất nhiều khó khăn.

10 năm chuyên tâm nghiên cứu hoa giấy sau chuyến đi về làng Thanh Tiên, em luôn trăn trở về sự nhọc công của những người thợ thủ công để tạo ra sản phẩm với giá trị rất thấp và không có thị trường tiêu thụ. Ý tưởng khởi nghiệp về việc kế thừa và phát triển sản phẩm thủ công theo cách làm sáng tạo, nâng tầm giá trị sản phẩm đã được ấp ủ từ đó. Cái giá để xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn không dễ.

Bản thân em cùng cộng sự đã “dành cả thanh xuân” để tìm tòi, sáng tạo, tìm được những cộng sự chân chính để quyết tâm dựng xây; xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm thủ công đơn thuần, tạo được bí quyết công nghệ…, và tất nhiên bỏ ra nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt! Hiện tại, em cố gắng trở thành người tiên phong trong việc phát triển ngành nghề tranh hoa giấy sản xuất quy mô lớn, cố gắng đáp ứng được thị trường không chỉ trong nước mà còn cả nước ngoài. Nhìn cách mà Nhật Bản phát triển nghệ thuật Origami, người Ý chế tác thủy tinh, gốm sứ Tây Ban Nha…, thấy rằng đó đều là những sản phẩm thủ công vô cùng đắt đỏ. Rõ ràng, giá trị của những sản phẩm đó không nằm ở chất liệu, mà ở chỗ tài năng của nghệ nhân đã được gửi gắm trong từng sản phẩm - cái mà không bất kỳ máy móc nào có thể làm thay được.

 Khung tranh hoa giấy Maypaperflower - một sản phẩm hoa giấy của May được nhiều khách hàng yêu thích
 

Việt Nam phần nhiều sản phẩm thủ công tinh xảo nhưng bán ra thị trường theo phương thức gia công, giá bán tới tay người tiêu dùng cuối cùng có thể gấp 15 - 20 lần so với giá xuất xưởng. Điều này phần nào cho thấy chính chúng ta đang tự đánh giá sản phẩm của mình quá rẻ mạt, trong khi sản phẩm được gắn tem của thương hiệu nước ngoài lại có một giá trị khác biệt. Biết vậy, nhưng chúng ta không thể làm khác vì nhiều lý do khác nhau và quan trọng nữa là chúng ta chưa đủ tiềm lực để tự xây dựng thương hiệu ở thị trường quốc tế. Chính bản thân em cũng đang nỗ lực để xây dựng dần thương hiệu, đi chậm nhưng phải chắc chắn. Sản phẩm đặt đúng chỗ, bạn sẽ thấy giá trị!

Việc sản phẩm của em được chấp nhận ở thị trường châu Âu là một dấu ấn trong hành trình nỗ lực đưa sản phẩm Việt vươn ra quốc tế, góp phần minh chứng rằng tài năng và giá trị của người Việt Nam nói chung và Huế nói riêng được công nhận.

Maypaperflower đã khai trương xưởng sản xuất mới tại Huế vào tháng 5 vừa qua, cảm xúc của em trước bước tiến mới quan trọng này?

Ngày 18 tháng 5 vừa qua là một ngày đặc biệt không chỉ đối với đội ngũ May mà còn là một bước tiến mới vô cùng ý nghĩa cho thương hiệu “Hoa giấy Huế - Maypaperflower” - May factory chính thức đi vào hoạt động.

Đối với những ai đã và đang theo dõi May từ những ngày đầu thành lập cho đến bây giờ đều hiểu chặng đường đầy gian nan và thử thách mà May đã từng trải qua. Từ những ngày “Ai đó nói rằng, hoa giấy bán không dễ, thậm chí rất là khó... thì đến hôm nay hoa giấy Huế - Maypaperflower đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Maypaperflower được thành lập chính thức từ năm 2021 với một căn phòng nhỏ 4m2, chỉ có 2 thành viên. Và sau một thời gian dài ấp ủ, May dần lớn hơn với xưởng diện tích 350m2 cùng gần 20 thành viên đã chính thức hoàn thiện tại địa chỉ mới: 59 Hoàng Thị Loan, TP. Huế. Điều này đánh dấu một bước quan trọng, minh chứng cho sự kiên trì, bền bỉ trên hành trình phát triển của Maypaperflower.

Còn nhớ những ngày đầu thành lập, từ những con người đam mê nghệ thuật truyền thống, yêu thích đồ thủ công với những sản phẩm hoa giấy còn đơn giản và thô sơ, qua quá trình nghiên cứu và thay đổi, hành trình làm “giấy nở hoa” của May ngày càng hoàn thiện hơn. Với sứ mệnh hài hòa giữa kỹ thuật truyền thống và sự sáng tạo, các tác phẩm nghệ thuật thủ công của May góp phần tạo nên phong cách trang trí mới, đồng thời thúc đẩy môi trường bền vững và trao quyền cho cộng đồng phụ nữ địa phương.

Hiếu cảm thấy hài lòng với những gì mình làm được chưa? Dự định của Hiếu trong thời gian tới là gì?

Nhiều cái em vẫn còn đang muốn hoàn thiện trong mô hình kinh doanh của mình, bản thân em mới khởi nghiệp được 3 năm nên cần phải học hỏi và đúc rút kinh nghiệm rất nhiều nữa. Mấu chốt để May với thương hiệu Maypaperflower thành công như ngày hôm nay là sự tôn trọng với giá trị truyền thống và sự chỉn chu, là điều kiện tiên quyết trong mọi hoạt động kinh doanh của em.

Cảm ơn Hiếu về cuộc trò chuyện này!

Ngọc Hà (Thực hiện)