Hợp sức kéo lưới rùng |
Công phu
Từ 4 giờ rưỡi sáng, chiếc thuyền của ông Trần Văn Hộ (Phú Lộc) đã rục rịch khởi động máy. Trên bờ, những người tham gia kéo lưới rùng đã túc trực sẵn. Bình minh vừa ló dạng cũng là lúc vòng lưới thu hẹp lại với sức thuyền dưới biển và sức người ở trên bờ.
Đó là chuyến thả lưới rùng đầu tiên mà thuyền ông Hộ cùng những bạn chài khác thực hiện. Đợt thả lưới này, thuyền của ông thu về hàng chục kilôgam cá ngát và các loại cá khác. Ông Hộ cho biết: “So với năm ngoái, năm nay cá ngát được mùa. Nhất là từ cuối tháng 7 đến nay, đa phần những thuyền thả lưới rùng đều đánh bắt được loại cá này”.
Thả lưới rùng là hình thức phù hợp để đánh bắt cá ngát - loài cá có ngạnh nhọn hai bên vây ngực và vây lưng. Với kỹ năng dày dạn của những ngư dân kỳ cựu và kinh nghiệm truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những chiếc thuyền chuyên thả lưới rùng sẽ di chuyển và thả lưới cách bờ tầm 1km. Với sự phối hợp ăn ý, nhịp nhàng của chiếc thuyền và người kéo lưới trên bờ, chiếc lưới sẽ đi sát đáy nước, dần khép chặt vòng cung và dồn cá mắc vào lưới.
Ngư dân khéo léo dùng kẹp gắp cá ngát để tránh ngạnh nhọn |
Năm nay, cá ngát vừa được mùa, vừa được giá. Những chuyến lưới rùng quây cá ngát vì thế cũng hối hả và rộn ràng hơn. Với đặc thù của nghề thả lưới rùng, công việc cần nhiều sức lực này được ưu tiên vào sáng sớm, khi mặt trời còn chưa ló dạng.
Anh Nguyễn Tý, một ngư dân cho biết: “Kéo lưới rùng nếu “trúng” thì có thể tăng chuyến đến trưa. Ít thuyền nào thả lưới rùng về chiều vì nước trong, cá khó dính lưới”.
Tuy là dân biển lâu năm, lành nghề, nhưng đôi lúc những chuyến lưới rùng của anh Tý và ông Hộ vẫn không như mong muốn. Ông Hộ cho biết thêm: “Dù nắm rõ con nước lên xuống, thế nhưng thả lưới rùng vẫn cần vận may. Có hôm may mắn cá đánh bắt được tính bằng tạ. Hôm không may thì bằng mớ, bằng nắm, thậm chí là chỉ lèo tèo dăm ba con cá nhỏ”.
Hấp dẫn
Vận may của chuyến biển là vận may chung của cả người trên bờ lẫn chủ thuyền đang lênh đênh trên sóng. Hiện nay, đa phần cá đánh bắt bằng hình thức thả lưới rùng được chia 5:5, tức là chủ thuyền một nửa, những người kéo lưới một nửa (thường từ 5 – 10 người). Có thuyền ưu ái chia số cá cho người kéo lưới phần nhiều hơn 4:6.
Ngư dân khéo léo dùng kẹp gắp cá ngát để tránh ngạnh nhọn |
Sau khi thu lưới, cá ngát thường được mang ra chợ bán cho tiểu thương. Giá cá ngát tùy ngày và tùy kích thước, dao động từ 40 – 90 nghìn đồng/kg. Mỗi chuyến biển thành công có thể mang đến cho ngư dân tiền triệu, những người tham gia kéo lưới rùng cũng có nguồn thu và niềm vui. Trong đó, nhiều con em của làng chài lâu nay đã quen với cái mặn mòi của biển khơi cũng muốn thử thách bản thân trong “cương vị” mới.
Em Trần Minh Trung, 15 tuổi, một “bạn chài” thường xuyên góp mặt trong các chuyến lưới rùng chia sẻ: “Em rất thích đi kéo lưới rùng, vì công việc này rất vui và hấp dẫn. Năm nay cá ngát nhiều, chỉ cần dùng sức đi theo sự hướng dẫn của người dẫn dây, em sẽ được chia phần cá để mang về. Hôm nào may mắn nhiều cá, ngoài nấu để gia đình sử dụng, cá dư bán đi em cũng được một số tiền để mua bút vở”.
Là loại cá biển có da trơn láng, ít xương nhiều thịt, sau khi sơ chế kỹ, thịt cá ngát trắng, ngon, béo sẽ được chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu. Cá ngát thường dùng để nấu lẩu, um măng chua, nướng, làm cá khô, làm ruốc. Đặc biệt, cá ngát nấu rau thôn (rau chua) là món ăn có vị ngon đậm đà khó cưỡng, đặc trưng của vùng bãi ngang ven biển Phú Lộc.
Đón mua cá ngát từ sáng sớm trên bờ biển, chị Trần Thị Ngọc Hân, một người dân cho biết: “Tôi thích mua cá từ thuyền hơn vì cá vừa tươi, lại đảm bảo an toàn. Giờ về nhà chỉ cần ra vườn hái nắm lá thôn, thêm ít chuối chát, vả là đã có ngay nồi canh ngon mát, thơm ngọt cho gia đình với giá cả phải chăng. Năm nay nhiều người kéo lưới rùng trúng cá ngát, tôi cũng vui lây với niềm hứng khởi được mùa của ngư dân”.