Nhiệt độ cực cao là mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe con người. Ảnh: Getty Image. |
Với các chính sách khí hậu hiện tại, các nhà nghiên cứu cho rằng thế giới đang trên đà nóng thêm 3 độ C. Theo kịch bản này, châu Âu có thể chứng kiến hơn 128.800 ca tử vong vào năm 2100 so với khoảng 44.000 ca trong giai đoạn 1991-2020. Trong khi đó, với mục tiêu kiềm chế sự nóng lên trong khoảng từ 1,5 - 2 độ C của Thỏa thuận chung Paris, số ca tử vong do nhiệt độ cao sẽ tăng lên giao động từ khoảng 58.000 - 76.000 ca.
Dựa trên những phát hiện này, các tác giả kết luận rằng, hệ thống y tế công cộng trên khắp châu Âu có thể phải đối mặt với “những thách thức chưa từng có”, đặc biệt là trong các đợt nắng nóng.
Thay đổi theo khu vực
Được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health, nghiên cứu đã xác định được sự chênh lệch đáng kể giữa các khu vực về tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ. Ví dụ, Đông Âu chứng kiến số ca tử vong liên quan đến giá lạnh cao gấp khoảng 2,5 lần so với Tây Âu. Các tác giả cho biết giá lạnh vẫn giết chết nhiều người hơn nắng nóng ở châu Âu, nhưng tỷ lệ này dự kiến sẽ đảo ngược khi hành tinh nóng lên. Trong khi đó, các quốc gia Nam Âu dễ bị ảnh hưởng bởi nắng nóng hơn nhiều và do đó, chiếm tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng cao nhất.
Trong số 30 quốc gia được mô hình hóa, Italy là nước có nhiều ca tử vong liên quan đến nắng nóng nhất trong giai đoạn 1991-2020, với con số đáng kinh ngạc 10.433 ca. Theo kịch bản nóng thêm 3 độ C, con số này sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 28.285 ca tử vong vào năm 2100. Đức đứng thứ hai với 6.909 ca tử vong trong giai đoạn 1991-2020 và ước tính tăng lên đến hơn 16.900 ca vào cuối thế kỷ, theo sát đó là Tây Ban Nha.
Nghiên cứu cũng cho thấy Áo, Pháp và Hy Lạp có khả năng sẽ chứng kiến số lượng thương vong liên quan đến nhiệt độ tăng gấp 3 lần, trong khi Ireland có thể chứng kiến mức tăng gấp 18 lần từ nay đến năm 2100.
Từ năm 2000 đến 2019, mỗi năm có khoảng 489.000 người tử vong do nhiệt độ cực đoan trên toàn thế giới. 45% trong số thương vong này xảy ra ở châu Á, khu vực chịu nhiều thảm họa nhất thế giới do các mối nguy hiểm về thời tiết và khí hậu; 36% xảy ra ở châu Âu, lục địa nóng lên nhanh nhất hành tinh. Tại châu Âu, tỷ lệ tử vong liên quan đến nhiệt độ đã tăng khoảng 30% trong hai thập kỷ qua.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng
Bên cạnh những khác biệt về khu vực, các tác giả cảnh báo rằng những thay đổi về nhân khẩu học cũng sẽ quyết định quốc gia nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng các yếu tố như dân tộc, giới tính và độ tuổi có thể ảnh hưởng đến mức độ dễ bị tổn thương do nhiệt độ của một người.
Nghiên cứu chỉ ra rằng dân số thành thị dễ bị tổn thương hơn so với những người sống ở vùng nông thôn. “Sự hiện diện của hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (UHI) ở các thành phố, rõ ràng hơn vào ban đêm, có thể làm trầm trọng thêm tác động của nhiệt độ đến sức khỏe con người”, nghiên cứu viết rõ.
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng so với môi trường nông thôn, bề mặt đất được cải tạo (như vỉa hè và mái nhà tối màu) ở các khu vực thành thị ảnh hưởng đến việc lưu trữ và truyền nhiệt bức xạ. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
Bên cạnh tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và mức độ hoạt động chung trong thành phố, nhiệt độ quá cao có thể khiến trẻ em và người già có nguy cơ mất nước, say nắng và tử vong do nhiệt. Ngoài ra, UHI cũng làm tăng nhu cầu năng lượng điện vào mùa hè để điều hòa không khí, làm tăng lưu huỳnh đioxit (SO2), nitơ oxit (NO), vật chất dạng hạt và khí thải CO2.
Các chiến lược giảm thiểu và thích ứng
Nhiều thành phố đã triển khai các chiến lược để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các chiến lược này nhằm mục đích làm mát môi trường bằng cách thay đổi phương thức lập kế hoạch và thiết kế môi trường xây dựng, kết hợp thảm thực vật… ví dụ như trồng cây và tăng diện tích phủ xanh, xanh hóa mái nhà…
Nhiều nơi cũng đã bắt đầu thích nghi với sự ấm lên toàn cầu bằng cách triển khai các chiến lược tập trung vào việc bảo vệ người dân khỏi sức nóng không thể giảm thiểu, từ việc thành lập các trung tâm làm mát chuyên dụng đến việc đưa ra các tiêu chuẩn rủi ro nhiệt để bảo vệ người lao động ngoài trời.
Các tác giả cho biết “sự gia tăng đáng kể các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao làm nổi rõ những tổn thất doviệc trì hoãn hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”, đồng thời nói thêm rằng các tiêu chuẩn quy hoạch và xây dựng là “đòn bẩy cho chính sách thích ứng”.
Nghiên cũng cũng nhấn mạnh cần tập trung thêm các nỗ lực vào các khu vực có tỷ lệ thất nghiệp, nghèo đói, thay đổi cơ cấu kinh tế, di cư và dân số già hóa cao, vì đây là “những điểm nóng về các ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao”.