Thực hành trên mô hình kết hợp đa phương tiện trong quản lý đường thở. Ảnh: T.HIỂN |
Tham dự có các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên các khoa Gây mê hồi sức A, Gây mê hồi sức B, Hồi sức cấp cứu, Đột quỵ, Hồi sức tích cực cấp cứu-Nhi… của 3 cơ sở trực thuộc. Các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về quản lý đường thở đa mô thức, đặt nội khí quản tỉnh thức, thực hành trên mô hình, thảo luận, đánh giá; từ đó, tối ưu hóa chiến lược quản lý đường thở cùng giải pháp tích hợp CMAC mới...
Một trong những nhiệm vụ của bác sĩ gây mê hồi sức là hạn chế các tác động bất lợi của quá trình gây mê lên hệ thống hô hấp, bằng cách giữ cho đường thở thông thoáng và đảm bảo cung cấp oxy đầy đủ. Thuật ngữ "Quản lý đường thở" liên quan đến lĩnh vực thực hành này và cũng là nội dung chính của ngành gây mê hồi sức.
Biến chứng lớn nhất trong quá trình gây mê là không quản lý được đường thở. Việc mất kiểm soát đường thở có thể làm cho bệnh nhân tử vong hoặc tổn thương không hồi phục của hệ thần kinh trung ương. Quá trình gây mê diễn biến qua các giai đoạn: Tiền mê, khởi mê, duy trì mê, thoát mê và hậu phẫu. Giai đoạn nào cũng đều có thể xảy ra các tai biến và biến chứng về đường thở.
Bài toán chung được đặt ra là dựa vào tiêu chí nào để ê-kíp cấp cứu - gây mê sàng lọc đối tượng bệnh nhân có yếu tố đường thở khó, từ đó đưa ra quyết định xử trí chính xác, đảm bảo an toàn cho mọi trường hợp. Quan trọng hơn hết là sự đồng bộ, hiểu ý; chuẩn bị đầy đủ nhân lực và vật lực trong thời gian ngắn nhất có thể.