Địa phương hỗ trợ vốn giúp mẹ con chị Tám mở quán ăn tại 53 Lý Nam Đế |
Nhiều cách giúp đỡ
Buổi sáng, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc thong thả đạp xe mang rau ra chợ Kim Long bán, thay vì phải đi chợ xa hoặc bán dạo. Bà Ngọc không lập gia đình, sống cùng chị gái là Nguyễn Thị Diệu Hạnh già cả, ốm đau. Hơn 25 năm qua, hai chị em bà mưu sinh nhờ nghề bán rau. Buổi sáng, bà chở rổ rau mua gom từ các vườn bán dọc đường hoặc qua tận chợ Phường Đúc. Buổi chiều còn rau, bà lại đạp xe đi rao bán cho đến khi hết.
Xét hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bà Ngọc, UBND phường Kim Long đã tìm nguồn kết nối, hỗ trợ chị em bà sửa nhà, xây nhà vệ sinh, hỗ trợ phí sinh hoạt hàng tháng. Gần đây, sức khỏe sút giảm, việc đi lại không còn thuận lợi như trước nên chính quyền địa phương đã bàn bạc, tạo điều kiện sắp xếp lô rong bạ để bà Ngọc ra bán rau. Ngày mở hàng đầu tiên của bà tại chợ Kim Long được cập nhật, thông tin hình ảnh lên các nhóm mạng xã hội ở địa phương để nhiều người dân biết, ủng hộ mua rau, củ cho bà. Bà Ngọc hào hứng: “Khi mô khó khăn tui cũng tìm lên phường, cảm ơn mấy chú lãnh đạo đã quan tâm tư vấn, tháo gỡ cho tui từng tý một. Hy vọng việc buôn bán ở chợ thuận lợi để tui đỡ đi lại vất vả”, bà Ngọc nói.
Không chỉ gia đình bà Ngọc, trường hợp mẹ con chị Mai Thị Tám ở tổ 1 cũng được quan tâm, giúp đỡ tận tình. Khuyết tật, làm mẹ đơn thân nên chị Tám vất vả trong làm ăn và nuôi con. Tìm kiếm nguồn tài trợ, phường Kim Long giúp chị Tám xóa nhà tạm, đồng thời cấp vốn cho mẹ con chị mở một hàng bán bánh ướt, nậm, lọc ngay tại nhà. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường còn kết nối với mạnh thường quân hỗ trợ học phí cho con gái chị là nữ sinh Mai Xuân Nhi. Đầu năm học mới này, Nhi được Nhà may áo dài Phúc tặng bộ quần áo mới, mạnh thường quân còn trao tiền mua sắm đồ dùng học tập cho em theo quý.
Quán bún - bánh ở 53 Lý Nam Đế của mẹ con chị Tám bán lai rai từ sáng đến chiều. Khách hàng là bà con chòm xóm và những vị khách qua kết nối fanpage của UBND phường Kim Long. Chị Tám chia sẻ: “Cảnh mẹ góa con côi nên em cứ phập phồng lo sợ. Lo chuyện ở, lo chuyện kiếm tiền nuôi con ăn học, lo cảnh ốm đau. Giờ mối lo phần nào được tháo gỡ, nay em tập trung buôn bán, động viên con nỗ lực học hành để sau này có tương lai tốt đẹp hơn”.
Cùng chung tay
Trước đây, hàng năm, Kim Long đặt ra chỉ tiêu giảm nghèo khá thấp. Thực hiện tinh thần NQ 54/NQ-BCT, hướng tới giảm nghèo bền vững, UBND phường Kim Long bàn bạc giải pháp, thực hiện ráo riết nhằm đưa công tác này thực sự hiệu quả. Nhờ vậy, cuối năm 2022, toàn địa bàn phường giảm 15 hộ nghèo (từ 45 xuống còn 30); cuối năm 2023 giảm thêm 6 hộ nghèo (30 xuống còn 24) và mục tiêu năm 2024 là giảm 1 hộ nghèo theo chuẩn quốc gia. Sau khi thực hiện rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, số hộ nghèo của phường còn 24 hộ, tương đương với 0,56%, cận nghèo có 68 hộ, tỷ lệ 1,6%.
Ông Mai Khắc Phục, Chủ tịch UBND phường Kim Long cho hay: “Nhiệm vụ khó nhất là huy động nguồn lực nên chúng tôi làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp uy tín trên địa bàn như Trung tâm Giáo dục Phượng Hoàng, Tập đoàn Quế Lâm, Công ty Xây dựng Nam Phan, HTX Xuân Long… Qua đó, đề nghị họ hỗ trợ địa phương trong công tác giảm nghèo. Đối với các gia đình nghèo có con đang độ tuổi đi học, chính quyền làm việc với các trường học, quan tâm chế độ chính sách cho trẻ được yên tâm học hành”.
Theo ông Mai Công Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long, cùng với các mục tiêu đề ra, UBND phường còn cử cán bộ giám sát, theo dõi thường xuyên tình hình các hộ nghèo. Như chị em bà Ngọc ban đầu xin hỗ trợ xe máy dưới 50 CC, nhưng do bà không thể điều khiển được phương tiện nên chuyển sang phương án bán rau tại chợ. “Ngoài hỗ trợ của chính quyền, các hộ dân cũng phải nỗ lực vươn lên. Do đó, chúng tôi còn huy động cả bà con, dòng họ chung tay để việc giảm nghèo bền vững và hiệu quả hơn”, ông Khánh nói.