Chị Cecile le Phạm ân cần trao kẹo cho các em nhỏ Trường tiểu học Thượng Lộ (Nam Đông) |
Chuẩn bị cho chuyến đi, từ sáng sớm, những phần quà đã được tập kết lên xe, chuyển đến trao cho các em học sinh Trường tiểu học Thượng Lộ của huyện Nam Đông. Chương trình được Chi đoàn Báo Thừa Thiên Huế tổ chức, cùng sự ủng hộ, chung tay của các doanh nghiệp.
Riêng Hudatex Hue tặng các em hơn 140 suất quà gồm màn và những chiếc chăn ấm. “Mùa đông ở miền núi thường lạnh nên các con cần chăn ấm. Những chiếc màn cũng rất cần để chống muỗi cho các con”, chị Cecile le Phạm chia sẻ về những món quà.
Trường tiểu học Thượng Lộ hôm ấy thật vui. Các em học sinh mặc những bộ đồng phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tà Ôi để đón chúng tôi. Trên sân trường ngập tràn nắng sớm, các em ngồi ngay ngắn trên các dãy ghế, với những đôi mắt náo nức trông đợi.
Các em nhỏ Tà Ôi cùng thực hành bài học nhường nhịn, từ túi kẹo |
Trong khi chờ chương trình bắt đầu, chị Cecile le Phạm với túi kẹo trên tay, trìu mến, nhẹ nhàng trao cho các em. Chị chậm rãi đến trước từng em nhỏ, cúi mình mở chiếc túi kẹo. Ghé mắt vào chiếc túi, các em nhỏ nhẹ thò bàn tay bé xíu, non nớt, nhón lấy một cây kẹo, rồi cúi đầu cảm ơn, với một chút e lệ và hàm ơn.
Phát xong kẹo cho hết thảy các em, chị Cecile le Phạm lại ân cần mời kẹo các ông bố, bà mẹ đang chờ con ở cuối sân trường. Túi kẹo lại được mở. Những bàn tay sau một chút ngần ngại, lại rụt rè nhón lấy một chiếc kẹo. Trong số ấy, có một bà mẹ, đã lấy hai chiếc kẹo. Chị giải thích: Một chiếc cho mình, một chiếc cho đứa con nhỏ ở nhà.
Khi đã trao đi cây kẹo cuối cùng, gương mặt chị Cecile le Phạm ngập tràn hạnh phúc. “Vậy là hôm nay, không có ai nhận hai cây kẹo cho riêng mình cả. Và ai nhận kẹo cũng đều nói lời cảm ơn”, chị thủ thỉ với nụ cười trìu mến.
Nụ cười hạnh phúc của các em nhỏ vùng cao Nam Đông |
“Lạ lắm nghen, khi mình đến những nơi xa xôi, khó khăn để trao kẹo, các em nhỏ và cả người lớn thường chỉ lấy đúng mỗi người một cái. Họ cũng thường nói lời cảm ơn. Nhưng trẻ em ở thành phố thì lại khác. Các em thường lấy cả nắm, rồi quên mất lời cảm ơn. Những khi ấy, mình nhỏ nhẹ nhắc các em trả lại nắm kẹọ, chỉ lấy một cây kẹo cho mình thôi, để dành phần cho các bạn sau nữa. Tôi cũng nhắc các em hãy nói lời cảm ơn, khi được trao nhận, dù chỉ là một chiếc kẹo”, chị Cecile le Phạm bày tỏ.
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao hôm ấy, chị Cecile le Phạm đã mang theo một túi kẹo khi cùng chúng tôi đến Nam Đông trao quà cho các em học sinh. Câu chuyện mà chị gửi gắm qua những chiếc kẹo về sự nhường nhịn, sự biết đủ, là một bài học mà tôi đã được trao nhận.
Sinh ra và rời Huế từ khi còn rất nhỏ, chị Cecile le Phạm đã cùng gia đình định cư ở Pháp trong thời gian dài. Cho đến khi cơn lũ lịch sử năm 1999 xảy ra, nhìn thấy những hình ảnh tang thương từ Huế, chị đã lần đầu trở về nơi mình sinh ra để tham gia chuyến hàng cứu trợ. Khi ấy, đường ra Huế bị sạt lở vùi lấp nên hàng cứu trợ không đến được với Huế. Nhưng đó là nhân duyên để sau này, khi đã lớn tuổi, chị về hẳn Huế, thành lập công ty dệt may, góp phần tạo việc làm, đóng góp thêm nguồn thu cho Huế. Rồi chị xây dựng ở Huế một bảo tàng mỹ thuật tư nhân mang tên mình để níu giữ cho Huế những cổ vật - những di sản trân quý mà cha ông để lại.