Các trường cân nhắc cân nhắc lựa chọn sách giáo khoa mới phù hợp cho học sinh. Ảnh: Ngọc Hòa |
Việc lựa chọn bộ sách nào để học sinh học, trước hết do các nhà trường quyết định dựa trên việc tổ chức cho các tổ bộ môn lấy ý kiến từ giáo viên giảng dạy. Các trường thường cung cấp các bộ sách giáo khoa và bố trí thời gian để giáo viên bộ môn nghiên cứu kỹ, tổ chức các buổi họp tổ hoặc nhóm chuyên môn để trao đổi góp ý, chỉ ra những ưu điểm, hạn chế của từng bộ sách, sau đó giáo viên sẽ trực tiếp bỏ phiếu lựa chọn. Trên cơ sở lựa chọn của các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành thẩm định, tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh để xem xét, quyết định.
Chương trình GDPT 2018 với hướng mở “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, vừa thuận lợi cho giáo viên trong việc tham khảo nguồn tài liệu phong phú và cơ hội lựa chọn bộ sách phù hợp để dạy học nhưng đồng thời cũng gây khó khăn cho giáo viên khi đưa ra quyết định lựa chọn. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi khi được giao quyền tự chủ thì trách nhiệm đảm bảo chất lượng giáo dục cũng sẽ đặt nặng lên vai thầy cô giáo và các nhà trường.
Hiện nay, mặc dù sách giáo khoa lớp 12 đã xuất bản và đưa vào giảng dạy, sách giáo khoa các lớp khác đã được tái bản nhưng vẫn còn khá nhiều “sạn”, thậm chí có sách cung cấp nguồn thông tin thiếu cơ sở, thiếu nguồn nên thiếu độ tin cậy khi dạy và học. Để dạy học có hiệu quả cao, thầy cô nên chọn nhiều bộ sách để tham khảo khi soạn kế hoạch bài dạy (giáo án), lấy yêu cầu cần đạt của từng bài học, từng chủ đề trong chương trình môn học làm căn cứ soạn bài dạy và chọn những nội dung hay, kiến thức chuẩn xác của từng bộ sách để đưa vào bài dạy.
Đối với học sinh, thầy cô cần chọn cho các em bộ sách nào viết có nội dung đảm bảo yêu cầu của chương trình bộ môn, bố cục sách rõ ràng, dễ hiểu, đảm bảo tính thẩm mỹ, tính khoa học; thông tin, bối cảnh có ý nghĩa, có tính giáo dục cao; tình huống phù hợp với thực tế; hình ảnh minh họa sinh động, thu hút sự chú ý của học sinh, giúp các em có hứng thú, say mê học tập và học tập có hiệu quả.
Thông thường, bộ sách đã được chọn học các năm học trước sẽ được giáo viên chọn cho học sinh học năm tiếp theo. Với cách chọn này, học sinh sẽ sử dụng sách đồng bộ trong quá trình học từ đầu cấp học đến cuối cấp học, tránh được sự chồng chéo, trùng lặp nội dung bài học giữa các khối lớp. Tuy nhiên, trường hợp sau một năm dạy và học nếu phát hiện sách không đáp ứng yêu cầu cần đạt, thiếu nội dung… gây khó khăn cho giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học thì vẫn có thể lựa chọn bộ sách khác có tính ưu việt hơn.
Năm học 2024 - 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018 nên thầy cô giáo rất quan tâm đến các đầu sách bài tập, ôn tập, ôn thi dành cho học sinh lớp 12. Trên thị trường hiện nay đã có nhiều đầu sách dạng này. Tuy nhiên, có thể do nôn nóng để đáp ứng yêu cầu của thị trường và nhu cầu của học sinh nên nhiều sách có nội dung bài tập không đạt yêu cầu, thậm chí sai kiến thức khoa học. Điều này gây không ít khó khăn cho người dạy và người học. Thầy cô giáo cần tham khảo nhiều tài liệu, chọn lọc các bài tập chính xác về kiến thức khoa học, phù hợp và đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh để áp dụng vào giảng dạy và hướng dẫn học sinh thực hiện bài tập để góp phần nâng cao hiệu quả công tác dạy và học.
Được giao quyền tự chủ đòi hỏi trách nhiệm của thầy cô giáo, của các nhà trường càng cao trong việc đảm bảo chất lượng dạy và học. Việc chọn sách giáo khoa trong bối cảnh hiện nay phải đáp ứng các yêu cầu: Phù hợp với việc học của học sinh, thuận lợi cho giáo viên, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học của nhà trường và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.