Khám sàng lọc bệnh phong cho người dân

Khám sàng lọc dưới nhiều hình thức

Sau khi loại trừ bệnh phong (BP) cấp tỉnh, năm 2019, trên địa bàn được công nhận thực hiện thành công loại trừ BP cấp huyện. Nhằm thực hiện mục tiêu cơ bản duy trì tỷ lệ lưu hành BP < 0,2/10.000 dân; tỷ lệ phát hiện bệnh nhân phong mới hàng năm <1/100.000 dân, công tác khám sàng lọc, khám phát hiện bệnh được triển khai qua khám, chữa bệnh tại các trung tâm y tế (TTYT), phòng khám trạm y tế, khám nhóm, khám tiếp xúc, khám tại các xã có nguy cơ cao cũng như thông qua truyền thông để người dân tự phát hiện.

Bệnh viện Da liễu tỉnh cũng tổ chức các đợt khám sàng lọc tại các địa phương trọng điểm, có tỷ lệ BN cao. Trước đây, mỗi năm bình quân toàn tỉnh phát hiện từ 3-5 bệnh nhân phong trong giai đoạn đầu; tỷ lệ này giảm dần đến năm 2021; giai đoạn sau không phát hiện bệnh nhân mới. Phần lớn bệnh nhân được phát hiện sớm, điều trị kịp thời thì tỷ lệ tàn tật độ II thấp: 0% - 33%.

Đầu tháng 9, tại Trạm Y tế Thủy Phương, TX. Hương Thủy, chương trình khám sàng lọc BP do Bệnh viện Da liễu tỉnh tổ chức thu hút nhiều người dân đăng ký. Nhiều người dân tại địa phương có vấn đề bất thường về da như bà Ch. cũng đến thăm khám để được xác định bệnh, cấp thuốc điều trị. Theo BSCKI. Nguyễn Thị Lành, Trưởng trạm Y tế Thủy Phương, phường đã thanh toán bệnh phong từ năm 2018. Hiện, trạm đang quản lý 4 bệnh nhân còn di chứng khuyết tật do bị bệnh này. “Hàng năm, chúng tôi vẫn tổ chức khám định kỳ nhằm sàng lọc, phát hiện ca bệnh mới; phối hợp tập huấn cho nhân viên y tế tổ dân phố về nguyên nhân, dấu hiệu, cách phát hiện, hướng dẫn điều trị… Góp phần nâng cao nhận thức người dân, mỗi tháng trạm phát trên loa phát thanh phường 4 lượt thông tin về phòng, chống BP; phối hợp với trường học truyền thông để giáo viên và học sinh nắm bắt thông tin, tránh kỳ thị trong cộng đồng”, BS. Lành nói thêm.

Nhằm làm tốt công tác sàng lọc, quản lý, Bệnh viện Da liễu tỉnh củng cố tốt mạng lưới chống phong toàn tỉnh. Hiện, có 9 ban chỉ đạo chống phong huyện/9 huyện, thị và 141 ban chỉ đạo chống phong xã/141 xã, phường; 7 bác sĩ da liễu phụ trách chỉ đạo 9 huyện, thị; 12 bác sĩ chuyên trách da liễu 9 huyện, thị; 141 cán bộ chuyên trách da liễu/141 xã, phường và đội ngũ y tế thôn bản. Mạng lưới chống phong các cấp luôn được duy trì hoạt động, bổ sung nhân lực. Đồng thời, đơn vị cũng tổ chức đào tạo, cập nhật kiến thức khám phát hiện, sàng lọc BN tại 9 TTYT; nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực quản lý chương trình cho cán bộ y tế các cấp; phổ cập kiến thức cơ bản về BP cho toàn dân.

Quản lý, hỗ trợ bệnh nhân

Cảm nhận cơ thể có vấn đề, ông Nguyễn C. (67 tuổi) đến Trạm Y tế phường Thủy Châu, TX. Hương Thủy kiểm tra sức khỏe. Từng bị bệnh phong, lại phải tháo khớp chân phải, ngón tay biến dạng, khả năng lao động của ông C. suy giảm. Ông được bác sĩ hướng dẫn chăm sóc vết thương, dặn dò cố gắng vận động để tránh cứng khớp; lưu ý khi xây xước hoặc viêm mỏm cụt phải điều trị để tránh nhiễm trùng.

Nằm trong nhóm 10 bệnh nhân tại Hương Thủy được quản lý hỗ trợ theo chương trình phòng, chống BP, ông C. được đội ngũ y tế địa phương tư vấn, chăm sóc sức khỏe thường xuyên. Ông C. cho hay: “Tôi đi lại khó khăn nên bà con chòm xóm hay giúp đỡ, không có chuyện kỳ thị. Thi thoảng, người bị vết thương là phải nhờ cán bộ y tế làm thuốc. Các bác ở Trạm cũng thường xuyên ghé nhà lưu ý trong chăm sóc sức khỏe cá nhân”.

Ông C. là một trong 127 người được lập hồ sơ quản lý điều trị tại Bệnh viện Da liễu kết hợp với theo dõi điều trị của cơ sở. Hằng năm, Bệnh viện Da liễu Huế còn phối hợp với BV Phong – Da liễu Trung ương Quỳnh Lập thăm khám trực tiếp bệnh nhân có di chứng tàn tật, cấp giày dép, nạng gỗ, xe lăn cho người có nhu cầu.

Theo dõi sát sao và nắm bắt thông tin từ cơ sở, hàng quý, Phòng Kế hoạch tổng hợp và Chỉ đạo tuyến của BV Da liễu tỉnh tổ chức giao ban chuyên khoa da liễu cùng với chuyên trách 9 huyện,               thị, qua đó kịp thời triển khai kế hoạch và chỉ đạo thực hiện chương trình phòng, chống BP trong toàn tỉnh. Định kỳ 6 tháng, cán bộ chỉ đạo chuyên khoa tỉnh tiến hành giám sát hoạt động tại huyện và xã, phường kết hợp với khám người tiếp xúc BN phong và hướng dẫn chăm sóc tại nhà.

Đặc biệt, việc quản lý, theo dõi người bệnh di chứng phong được quan tâm như giám sát người bệnh, kiểm tra tàn tật, phối hợp các ban ngành tăng cường chăm sóc về thể chất, tinh thần, điều kiện sống… đảm bảo người di chứng và gia đình họ tái hòa nhập tốt với cộng đồng.

ThS.BS. Nguyễn Thanh Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Huế thông tin: “Chúng tôi triển khai nhiều hoạt động khác nhau trong đó, chú trọng duy trì mạng lưới 9 TTYT huyện, thị, thành phố; xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Quy trình từ phát hiện đến điều trị thống nhất, chặt chẽ. Chẳng hạn, với bệnh mới phát hiện sẽ theo dõi toàn bộ liệu trình điều trị cho đến khi chuyển về địa bàn; người hoàn thành điều trị trở lại nơi cư trú sẽ được theo dõi, hỗ trợ phục hồi chức năng, tái hòa nhập cộng đồng…”.

Bài, ảnh: L. Tuệ