Lãnh đạo tỉnh tham quan hệ thống vận hành các chi tiết của sản phẩm tại Kim Long Motors. Ảnh: Ngọc Minh |
1. Nắng hanh hao, rát mặt người. Anh Lê Văn Hoàng (xã Điền Hòa, huyện Phong Điền) trở về nhà lúc 15 giờ chiều. Cầm trong tay tháng lương làm việc đầu tiên, cảm giác trong anh rất khó tả.
Từ khi trở về quê hương, đến bây giờ anh không còn nhớ đã bao lâu rồi “bó gối” nằm nhà. Mưu sinh xứ người thất bại, trở về quê thất nghiệp, có lẽ vì thế khi nhận được 6 triệu đồng lương tháng khiến anh bồi hồi. Hoàng kể: “Trước đây, tôi là thợ cắt tóc, vì hoàn cảnh gia đình nên phải dắt díu vợ con về quê sinh sống. Quả thực, tôi chưa bao giờ nghĩ làm công nhân vì “lời đồn” về đời công nhân không sướng sung gì”.
Không phải vì thời thế, mà vì miếng cơm manh áo, Hoàng trở thành công nhân. Song, khi trở thành công nhân, “lời đồn” ấy trong Hoàng tan biến. “Công việc của tôi tại Công ty Scavi Huế không quá vất vả bởi mỗi người phụ trách một khâu, tất cả đều tự động hóa nên công nhân tiếp cận công việc rất nhanh. Hơn nữa, công việc làm theo ca nên mỗi người đều có thể chủ động thu xếp”, Hoàng chia sẻ.
Cách đây độ hơn một thập kỷ, thời điểm trước và sau Tết, hình ảnh những chuyến xe xuôi ngược vào Nam, ra Bắc làm nhói lòng người. Hành khách trên ấy đa số là lao động nghèo từ những vùng quê khó.
Hiện nay, người lao động dễ dàng tìm kiếm việc làm tại các khu công nghiệp |
Hơn ai hết, anh Nguyễn Văn Hiếu (Phú Đa, Phú Vang) là người thấm đẫm cảm giác buồn vui lẫn lộn ấy. 10 năm làm công nhân ở Bình Dương cũng chừng ấy thời gian anh nếm trải cuộc sống xa nhà. Nhiều thời điểm, vì cái khó, anh không đủ tiền đón xe khách về quê ăn tết. “Lương công nhân không cao, tầm trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vé tàu xe dịp tết lúc nào cũng tăng cao, thế nên nhiều cái tết vợ chồng tôi dù rất muốn cũng không thể về quê. Đành ngậm ngùi!”, anh Hiếu tâm sự.
Bây giờ, Hiếu cũng là công nhân, nhưng nơi anh làm việc chỉ cách nhà hơn 10 phút đi xe máy. Hơn thế nữa, thay vì sống trong căn trọ chật chội, gia đình anh có nhà để ở, anh có việc để làm, con cái học hành ổn định. “Dù mức lương ở Huế thấp hơn trong Nam nhưng điều kiện sống tốt hơn nhiều. Vợ chồng tôi cũng tích cóp được một ít để sửa sang lại căn nhà, sinh sống cùng cha mẹ già”, Hiếu nói.
Có thể chưa có một con số thống kê đầy đủ những người trở về quê hương tìm lại kế sinh nhai, song chỉ cần nhẩm tính, người ta có thể đếm được tại nơi mình sống có bao cụm công nghiệp, khu công nghiệp mọc lên. Và, nhiều nhà máy, xí nghiệp mở ra, mang thông tin tuyển dụng đến tận làng quê.
Số liệu từ Ban Quản lý các Khu Kinh tế, công nghiệp (KKT, CN) tỉnh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn KKT, CN tỉnh có 39.500 lao động đang làm việc, tăng 3,9% so cùng kỳ; trong đó, có 187 lao động nước ngoài.
“Đến nay có 9 cụm CN đã được thành lập với diện tích 317,42ha, trong đó tỷ lệ lấp đầy của các cụm CN đã đi vào hoạt động đạt khoảng 60,6%. Thời gian tới sẽ thành lập cụm CN Điền Lộc 2, huyện Phong Điền và cụm CN Phú Diên, huyện Phú Vang”, ông Lê Văn Tuệ, Trưởng ban Quản lý các KTT, CN tỉnh cho hay.
2. Trong một lần trao đổi với Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương về những cơ hội mà người dân có được khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, người đứng đầu chính quyền tỉnh nói rằng, đó không chỉ là câu chuyện tạo ra vị thế cho vùng đất Cố đô, mà còn mở ra cơ hội để nâng cao đời sống cho người dân, tạo ra nhiều hơn việc làm cho người lao động.
Hiện nay, Huế đang có những bước tiến vững chắc để hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Song hành với đó, nhiều dự án (DA) trọng điểm, công trình nhà máy đã và đang hoàn thành không chỉ tạo động lực phát triển mà còn giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong tỉnh và các vùng lân cận.
Tại lễ động thổ Nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Huế, chủ đầu tư dự án cho hay, đây là lần đầu tiên Việt Nam được bàn giao công nghệ tiên tiến hàng đầu này để chủ động sản xuất động cơ ô tô hiện đại và động cơ cho các ngành công nghiệp khác.
DA của Kim Long Motors tại KKT Chân Mây - Lăng Cô là điển hình cho việc không chỉ tạo việc làm đơn thuần cho người lao động mà thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Ông Lý Quốc Việt, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Kim Long Motors chia sẻ, Nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Huế có vai trò quan trọng trong sự phát triển sản phẩm xe ô tô mang thương hiệu Việt. Nhà máy cũng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu hướng đến xuất khẩu.
Gần đây, lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ những vướng mắc đối với những DA chuẩn bị đi vào hoạt động. Đó là chỉ dấu cho thấy sự kỳ vọng lớn của tỉnh.
Tại buổi làm việc với đại diện DA Kanglongda mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nhà máy này khi đi vào hoạt động. Đồng thời, khẳng định, đây là một trong những dự án FDI lớn trên địa bàn, đóng góp vào tăng trưởng, giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Hiện, DA đã triển khai xây dựng cơ bản hoàn thành giai đoạn I với vốn đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng, đang vận hành thử, sử dụng lao động khoảng 1.000 người. Dù vậy, các hạng mục còn lại của các giai đoạn I, II và III đang gặp khó khăn về các thủ tục…
Tại buổi kiểm tra nêu trên, ông Phan Quý Phương chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà công ty đang gặp phải. Đồng thời khẳng định, tỉnh đã quan tâm cũng như chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ công ty trong việc hoàn thành các hồ sơ, thủ tục liên quan để dự án sớm đi vào hoạt động các giai đoạn tiếp theo.
Điểm qua các DA trên cùng với những DA như: Nhà máy xử lý rác Phú Sơn, Trung tâm thương mại AEON MALL Huế,… để minh chứng rằng, ngoài tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, các DA này còn góp phần khẳng định Huế là miền đất hứa của các nhà đầu tư, thu hút nguồn lao động chất lượng cao.