Các nước châu Á - Thái Bình Dương tập trung nỗ lực giải quyết vấn đề già hóa dân số. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 

Lời kêu gọi được đưa ra khi khoảng 500 đại biểu từ 38 quốc gia đang tham dự Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APRC) năm 2024 về Lão hóa dân số, diễn ra tại Bali (Indonesia). Tham dự sự kiện là các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, thành viên của Liên hợp quốc, các cơ quan quốc tế và các nhà lãnh đạo xã hội dân sự từ khắp châu Á - Thái Bình Dương.

Sự kiện kéo dài 3 ngày, kết thúc vào ngày 13/9, được tổ chức theo chủ đề “Tái định hình về già hóa”. Trong đó, Hội nghị APRC có mục tiêu xây dựng cơ sở kiến thức về chăm sóc người cao tuổi và tạo ra mạng lưới để phổ biến các thông lệ tốt, cũng như bổ sung chuyên môn ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm phát triển hệ thống và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi trong khu vực.

Pio Smith, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phát biểu, nếu các nước không có những cuộc đối thoại này, khu vực sẽ không có được bất kỳ sự ủng hộ nào từ thế giới.

“Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên toàn cầu và điều đó có nghĩa là chúng ta cần có các chính sách, kế hoạch và chiến lược để giải quyết vấn đề dân số già hóa”, Giám đốc Pio Smith chia sẻ.

Theo ông, khu vực không nên đợi đến năm 2045 hoặc 2050, bởi cần hành động nhanh chóng để hưởng lợi ích từ nguồn nhân khẩu học. Cùng với đó, Giám đốc Pio Smith cũng kêu gọi chính phủ các nước đầu tư vào các dự án có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây chỉ ra rằng, dân số già hóa nhanh chóng ở châu Á - Thái Bình Dương đã đưa khu vực này lên vị trí hàng đầu, là nơi có một trong những xu hướng nhân khẩu học toàn cầu quan trọng nhất. Hiện con người đang sống thọ hơn, trong khi tỷ lệ sinh giảm.

Đến năm 2050, dự kiến cứ 4 người ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì có 1 người trên 60 tuổi. Từ năm 2010 đến năm 2050, số người cao tuổi (trên 60 tuổi) trong khu vực dự kiến tăng gấp 3 lần, tức đạt gần 1,3 tỷ người.

Tại một số quốc gia như Trung Quốc, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam, quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra nhanh chóng, cùng lúc những quốc gia khác như Indonesia sẽ chứng kiến có dân số người cao tuổi đông.

Báo cáo cho biết, sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ để lại những hậu quả sâu rộng về mặt kinh tế và xã hội đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với những tác động từ cách xây dựng và tổ chức các thành phố, cũng như tác động đến cộng đồng cho đến cách hoạch định chính sách tài chính.

Việc ghi nhận và tối đa hóa những đóng góp về mặt kinh tế - xã hội của người cao tuổi sẽ là điều cần thiết để phát triển bền vững.

Giám đốc nghiên cứu về phát triển toàn diện tại Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan Somchai Jitsuchon cho rằng, người dân nên chăm sóc bản thân thật tốt để phòng ngừa các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim và tiểu đường ngay từ khi con nhỏ, bởi chi phí điều trị các bệnh này là rất tốn kém.

Hiện nay, tuổi thọ của người dân trong khu vực đã tăng lên. Người lớn tuổi đang sống khỏe mạnh hơn và có trình độ học vấn cũng như kỹ năng cao hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, điều cần thiết là mọi người phải biết tầm quan trọng của việc tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ, bởi số tiền này sẽ giúp ích họ trong tương lai, đặc biệt là khi người dân ngày càng trưởng thành và lớn tuổi.

Ngoài ra, chính phủ các nước cũng nên thúc đẩy tinh thần tiết kiệm trong cộng đồng nhân dân và đưa ra những sáng kiến để giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Tầm quan trọng của xã hội dân sự trong việc hỗ trợ chăm sóc người cao tuổi rất cần được chú trọng, gồm xây dựng các chính sách và chương trình dành cho người cao tuổi, giúp thúc đẩy phúc lợi và sự hòa nhập của phụ nữ và nam giới lớn tuổi, cũng như giảm nghèo đói và phân biệt đối xử với tầng lớp dân số này.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)