Khoảng 3,8 tỷ người trên thế giới hiện không có được bất kỳ chế độ bảo trợ xã hội nào trước các mối đe dọa khí hậu. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo báo cáo “Bảo trợ xã hội thế giới 2024-2026: Bảo trợ xã hội toàn cầu cho hành động ứng phó với khí hậu và quá trình chuyển đổi công bằng” của ILO, lần đầu tiên, hơn một nửa dân số toàn cầu (52,4%) đang được tiếp cận ít nhất một chế độ bảo trợ xã hội, tăng từ mức 42,8% vào năm 2015. Tuy nhiên, tại 20 quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu, 91,3% người dân (364 triệu người) vẫn không được bảo vệ. Nhìn rộng hơn, tại 50 quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu, 75% dân số (khoảng 2,1 tỷ người) không có bất kỳ hình thức bảo trợ xã hội nào.

Đáng lưu ý, hầu hết trẻ em trên toàn cầu (76,1%) vẫn chưa được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hiệu quả và vẫn tồn tại khoảng cách giới đáng kể, với mức độ bảo trợ hiệu quả của phụ nữ thấp hơn nam giới.

Những khoảng cách này đặc biệt nghiêm trọng khi xét đến vai trò tiềm tàng của bảo trợ xã hội trong việc làm giảm tác động của biến đổi khí hậu, giúp mọi người dân và xã hội thích nghi với thực tế mới dễ biến động do khí hậu và tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi công bằng sang tương lai bền vững.

Ngoài ra, báo cáo cũng phát hiện ra rằng những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu thường có mức bảo trợ xã hội thấp nhất.

Theo ILO, bảo trợ xã hội có thể giúp mọi người thích nghi và đối phó với những cú sốc liên quan đến khí hậu bằng cách cung cấp các chế độ bảo trợ xã hội, chẳng hạn như an ninh thu nhập và tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đồng thời hỗ trợ các gia đình, người lao động và doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh.

Bảo trợ xã hội cũng có thể tạo điều kiện cho các hoạt động kinh tế bền vững hơn, bao gồm hỗ trợ nhân viên đào tạo và nâng cao kỹ năng để làm việc trong các lĩnh vực xanh và ít carbon.

“Bảo vệ xã hội là điều cần thiết để đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi năng lượng xanh và ít carbon đang diễn ra không bỏ lại ai phía sau. Do đó, yêu cầu bắt buộc phải phổ cập bảo trợ xã hội không chỉ mang tính đạo đức mà còn rất thiết thực”, Tổng giám đốc ILO nhấn mạnh.

Tuy nhiên, mặc dù đóng vai trò là chất xúc tác và là động lực thúc đẩy hành động tích cực vì khí hậu, các chính phủ vẫn chưa tận dụng hết tối đa tiềm năng của bảo trợ xã hội, chủ yếu là do khoảng cách bao phủ dai dẳng và tình trạng thiếu hụt đầu tư đáng kể.

Trung bình, các quốc gia chi 12,9 % GDP cho bảo trợ xã hội (không bao gồm y tế). Tuy nhiên, trong khi các quốc gia có thu nhập cao chi trung bình 16,2%, các quốc gia có thu nhập thấp chỉ phân bổ 0,8% GDP cho bảo trợ xã hội. Các quốc gia có thu nhập thấp - bao gồm các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu - cần thêm 308,5 tỷ USD/năm để đảm bảo được ít nhất một chế độ bảo trợ xã hội cơ bản và sẽ cần sự hỗ trợ quốc tế để đạt được mục tiêu này.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN News)