Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương kết luận phiên họp

Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn bình quân chung cả nước

Mở đầu phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8.

Theo đó, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 104 triệu USD, giảm 7,5% so với tháng trước và tăng 9,6% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 779 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 86 triệu USD, giảm 1,6% so với tháng trước và tăng 14,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng xã hội 8 tháng ước đạt 37.352 tỷ đồng, tăng 15,7% so cùng kỳ; doanh thu vận tải, bốc xếp do địa phương quản lý ước đạt 3.498 tỷ đồng, tăng 15,6%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng ước tăng 4,1% so với cùng kỳ.

Trong tháng 8, khách du lịch ước đạt 396 nghìn lượt, tăng khoảng 2% so với tháng trước và tăng 45,4% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch ước đạt 811 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 ước tăng 9,8% so với cùng kỳ…

Ông Vui cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp mới cho 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6.104 tỷ đồng. Ngoài ra, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đầu tư thu hút dự kiến 5.292 tỷ đồng. 

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 29/8/2024 là 3.540 tỷ đồng /6.957,879 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch; cao hơn tỷ lệ giải ngân trung bình toàn quốc (35,5%), xếp thứ 24/63 tỉnh thành và thuộc nhóm các địa phương được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương về công tác giải ngân theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 08/8/2024. 

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài chính La Phúc Thành cũng cho biết về công tác thu chi ngân sách nhà nước. Đáng chú ý, thu ngân sách nhà nước ước đạt 7.753,4 tỷ đồng, bằng 65,8% dự toán, bằng 57% chỉ tiêu phấn đấu và tăng 15,6% so với cùng kỳ. 

Ở phần thảo luận, lãnh đạo các sở đã thông tin cụ thể hơn về từng lĩnh vực, đồng thời, nêu những khó khăn cần  tháo gỡ. Đó là các vẫn đề liên quan đến thu tiền sử dụng đất; khó khăn đối với các doanh nghiệp chế biến, thuỷ sản…; sự sụt giảm về lượng hành khách di chuyển bằng đường hàng không đến huế; công tác quy hoạch…

Phát biểu tại phiên họp, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã nêu lên những tồn tại điển hình hiện nay. Ông Bình nhấn mạnh đến việc các sở, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ để tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh. Ngoài ra, phải gỡ khó cho công tác quy hoạch ở các địa phương; rà soát các vấn đề liên quan đến dịch vụ công trực tuyến; phối hợp quản lý tốt các đối tượng liên quan đến ma tuý…

 Các dự án đảm bảo tiến độ đã thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công

Triển khai các kế hoạch đúng tiến độ

Thông tin tại phiên họp cho thấy, đến nay, đề án phục vụ mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đảm bảo tiến độ đề ra. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 30/8/2024 về việc công nhận khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I. Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước đã thông qua Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Bộ Chính trị cũng họp cho ý kiến và nhất trí trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 10 cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo các sở, ngành trong việc điều hành nền kinh tế thời gian qua.

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đề nghị khẩn trương hoàn thiện dự thảo tờ trình và đề án của Chính phủ về thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Đồng thời, phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tiến hành đánh giá sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 83 của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ cho ý kiến.

Liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030; Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; triển khai hiệu quả các kế hoạch triển khai thực hiện các quy hoạch.

Ngoài ra, các cơ quan liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở; đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; chủ động rà soát, bổ sung phương án phòng, tránh thiên tai, bão lụt năm 2024. Xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác quản lý vận hành, công tác quản lý an toàn đập, hồ chứa nước và công tác ứng phó thiên tai các nhà máy thủy điện đang vận hành trên địa bàn.

“Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, việc đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm là điều rất quan trọng. Cùng với đó là công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, cần rà soát, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

LÊ THỌ