Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á đứng trước chu kỳ cắt giảm lãi suất; trong đó, Philippines đã nới lỏng lãi suất vào tháng 8/2024. (Trong ảnh: Trụ sở Ngân hàng Trung ương Philippines). Ảnh minh họa: Elegal.ph/TTXVN

Trong 2 tháng qua, các nhà quản lý tiền tệ đã tăng vị thế trong đầu tư trái phiếu chính phủ ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia; đồng thời trở thành người mua ròng cổ phiếu Indonesia, Malaysia và Philippines trong 3 tháng. Những dòng tiền đổ vào đã giúp các loại tiền tệ Đông Nam Á trở thành những đồng tiền hoạt động tốt nhất ở các thị trường mới nổi trong quý này, trong khi cổ phiếu khu vực dễ dàng đánh bại các cổ phiếu khác trên thị trường mới nổi.

Các ngân hàng trung ương Đông Nam Á đang đứng trước một chu kỳ cắt giảm lãi suất, trong khi Philippines đã nới lỏng lãi suất vào tháng 8 vừa qua và Indonesia được một số nhà kinh tế dự báo sẽ có động thái tương tự trong tuần này. Lãi suất thực tế, hay chi phí đi vay được điều chỉnh theo lạm phát, đang ở mức cao kỷ lục trong khu vực, tạo thêm dư địa cho việc nới lỏng chính sách.

Ông Joevin Teo Chin-Ker, Giám đốc phụ trách đầu tư tại Công ty quản lý tài sản Amundi Singapore nhận định: “Về trung hạn, chúng tôi vẫn tiếp tục lạc quan về trái phiếu và tiền tệ Đông Nam Á, đặc biệt là ở các quốc gia có lợi suất cao hơn. Lãi suất thực tế trên khắp các nền kinh tế Đông Nam Á cũng cao hơn so với một năm trước, qua đó cho thấy còn nhiều dư địa để nới lỏng, một tình huống có thể có lợi cho thị trường trái phiếu”.

Được biết, lãi suất chính sách thực tế của Indonesia hiện ở mức 4,1%, cao hơn 1,8 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm, điều này chỉ ra còn nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, Philippines ghi nhận 1,5 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. Qua đó xếp 2 quốc gia này vào top 4 trong một cuộc khảo sát của Bloomberg về các thị trường mới nổi trên toàn thế giới, cùng với Ấn Độ và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, ông Neeraj Seth, Giám đốc bộ phận thu nhập cố định cơ bản châu Á tại Tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock ở Singapore lưu ý, đơn vị này ưu tiên các kỳ hạn từ trung bình cho đến dài hơn ở 2 quốc gia nói trên, vì các ngân hàng trung ương ở đó có nhiều dư địa hơn để nới lỏng chính sách tiền tệ.

“Đây là thời kỳ hoàng kim của thu nhập cố định ở châu Á, đặc biệt là các thị trường mới nổi ở châu Á”, ông Neeraj Seth cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Ngoài ra, định giá cũng cho thấy một bức tranh tích cực đối với các loại tiền tệ Đông Nam Á.

Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, tỷ giá hối đoái thực tế có hiệu lực trung bình trong khu vực thấp hơn 1,8% so với mức trung bình 10 năm, điều này báo hiệu các loại tiền tệ dường như được định giá thấp trên cơ sở trọng số thương mại. Trong khi đó, một thước đo tương đương đối với châu Mỹ Latinh là cao hơn 2,2% so với mức trung bình 5 năm; đối với châu Âu, Trung Đông và châu Phi là cao hơn 4,8%, cho thấy sự định giá quá cao.

LÊ THẢO

(Lược dịch từ Bloomberg)