Học sinh Phong Điền bước vào năm học mới 2024 - 2025 |
Về Trường mầm non Phong Sơn I (Phong Sơn, Phong Điền) thời gian này mới cảm nhận được những sự thay đổi rõ rệt. Trường nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn so với các địa phương khác. Trước đây, trường chỉ có 4 phòng học, dãy phòng làm việc bị xuống cấp. Khu vực sân chơi cho trẻ chưa được đầu tư. Trẻ chưa có nhiều điều kiện học tập và vui chơi tốt nhất. Vì vậy, việc đạt chuẩn Quốc gia của Trường mầm non Phong Sơn I tưởng chừng sẽ còn rất lâu nữa.
Đầu năm học mới, nhìn các cháu nhỏ thỏa thích trong khu vui chơi được đầu tư với đầy đủ trang thiết bị, cô giáo Phan Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Phong Sơn I không giấu vẻ vui mừng. Cô chia sẻ, được sự quan tâm của các cấp, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và sự góp sức của phụ huynh nên thời gian qua, trường được đầu tư thêm 2 phòng học, dãy nhà làm việc; xây dựng sân chơi, chỉnh trang lại khuôn viên trường để các cháu có nhiều trải nghiệm vui chơi, tham gia các hoạt động trồng cây, các trò chơi truyền thống… Cũng từ thay đổi về cơ sở vật chất, bộ mặt trường khang trang, chất lượng nuôi dạy trẻ tăng lên, phụ huynh tin tưởng. Cuối năm 2023, sau bao nỗ lực, trường đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ I.
Cách đó không xa, Trường THCS Phong Xuân, xã Phong Xuân cũng đã hoàn thiện xong thủ tục để được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ I trong thời gian ngắn nữa. Theo lãnh đạo nhà trường, trước đó, trường còn bị thiếu một số chỉ tiêu như nhà chờ, nhà xe và lối dẫn vào lớp học cho học sinh vào trường; hệ thống lan can thấp, không đảm bảo an toàn cho học sinh; trường còn thiếu cây xanh… Với sự quyết tâm của nhà trường và đầu tư của ngành giáo dục huyện, trong hè vừa qua, nhà trường tập trung khắc phục những tiêu chí còn chưa đạt.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, trên toàn huyện có 60 đơn vị trường học (không tính các trường THPT); trong đó, 26 trường mầm non, 19 trường tiểu học, 12 trường THCS và 3 trường tiểu học và THCS. Trước đó, trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn tại Phong Điền gần như không có nhiều chuyển biến, chỉ đạt ở mức khoảng 65%. Trong khoảng hơn 2 năm qua, nhờ triển khai nhiều giải pháp nên đã có gần 10 trường được đạt chuẩn. Đến đầu năm học 2024 - 2025 (tháng 9/2024), toàn huyện có 49/60 trường ở Phong Điền đạt chuẩn, đạt tỷ lệ 81,66%.
Khó khăn trong xây dựng trường đạt chuẩn ở Phong Điền trước đó đã nhiều lần được phân tích. Đầu tiên là tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học ngày càng cao, trong khi hệ thống cơ sở vật chất của các trường ngày càng xuống cấp, các phòng học, phòng chức năng vừa thiếu, vừa không đủ diện tích... Nhu cầu về kinh phí cho đầu tư xây dựng và duy trì trường chuẩn khá lớn trong khi nguồn ngân sách phân bổ từ tỉnh, huyện, xã cho việc xây dựng các trường đạt chuẩn còn hạn chế, chưa đáp ứng. Một số địa phương chưa thật sự quan tâm đúng mức trong việc xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia, chưa chủ động bố trí, huy động nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn…
Từ những thay đổi tích cực thời gian qua, kế hoạch của ngành giáo dục Phong Điền đặt ra là đến cuối năm 2024, phấn đấu có thêm 4 trường đạt chuẩn, tăng tỷ lệ lên 88,33%. Đến cuối năm 2025 số trường đạt chuẩn Quốc gia đạt trên 95%, bằng với chỉ tiêu của tỉnh.
Bà Đặng Thị Thu Hương, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền cho biết, để có thể đạt được các mục tiêu trên, ngành giáo dục huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Đầu tiên là tập trung đầu tư hoàn chỉnh điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, phòng chức năng cho các trường có trong danh mục xây dựng trường chuẩn Quốc gia. Việc thực hiện đầu tư theo đúng yêu cầu chuẩn hóa về cơ sở vật chất trường học, giúp các trường có đủ điều kiện thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học. Hướng đến việc xây dựng một số trường có chất lượng cao ở tất cả các ngành học, cấp học, cung cấp các dịch vụ giáo dục có chất lượng tốt. Cùng với đó là tiếp tục tuyên truyền và nâng cao nhận thức “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân” nhằm huy động tối đa các nguồn lực xã hội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện.