Hội nghị trực tuyến với các địa phương vùng ven biển về công tác ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão

Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh chủ trì hội nghị.

Triển khai sớm

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Thừa Thiên Huế khả năng bão số 4 đổ bộ trực tiếp là 50/50, nhưng hoàn lưu phía trước và sau cơn bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp gây mưa to trên đất liền, sóng lớn trên vùng biển của tỉnh. Các địa phương cần chủ động phương án ứng phó, di dời dân vùng ngập lụt, thấp trũng, đề phòng trượt lở đất vùng núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cho biết, tính đến chiều 18/9, công tác kêu gọi các lao động, tàu thuyền hoạt động trên biển đã hoàn tất. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát thông tin, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền nắm diễn biến tình hình của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.

Toàn tỉnh có tổng số 1.884 phương tiện, với 10.685 lao động, đến nay các phương tiện, lao động đã vào bờ và tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, hiện ở các điểm tránh trú có 23 phương tiện với 194 lao động ngoại tỉnh vào neo đậu.

Dự báo từ trưa chiều đến đêm 19/9, bão số 4 sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh phía bắc khu vực Trung Trung bộ từ đèo Ngang đến Hải Vân, vùng có nguy cơ cao nhất là tỉnh Quảng Trị.

 Đến chiều 18/9, công tác kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão đã hoàn tất

Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, trên đất liền tỉnh có mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối 18 đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm. Để chủ động ứng phó với ATNĐ các địa phương đã tổ chức rà soát, lên phương án di dời dân ứng phó bão với 16.349 hộ/ 52.186 khẩu.

Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản kiểm tra phương án đảm bảo an toàn ao nuôi thủy sản, lồng bè, khu neo đậu tránh trú bão trên sông, đầm phá, vũng vịnh. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thực hiện tốt công tác thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ngư dân trên biển, đầm phá, kêu gọi tàu thuyền vào bờ, cấm tàu thuyền, ngư dân ra khơi khi có bão.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đề nghị người dân nâng cao tinh thần cảnh giác với diễn biến mưa bão, lũ trong 3-5 ngày tới, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi và ven các sông suối ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Chằng chống nhà cửa, không trú ẩn trong các nhà tạm, công trình xuống cấp nhằm đảm bảo an toàn. Di chuyển phương tiện và tài sản cá nhân có giá trị đến nơi cao ráo, an toàn tránh bị ngập nước và tuyệt đối không đậu đỗ phương tiện dưới các gốc cây ở các tuyến đường tránh bị cây gãy, đổ đè lên phương tiện gây hư hỏng.

Không để bị động

UBND tỉnh đã có kế hoạch về dự trữ hàng hóa phục vụ phòng, chống lụt bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mỳ ăn liền. Tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, chủ động dự trữ tại chỗ một số mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân trên địa bàn, đề phòng khi bị chia cắt, cô lập.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu các địa phương, đơn vị, chủ hồ đập cần có phương án chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Theo đó, yêu cầu các địa phương kịp thời triển khai công tác ứng phó ATNĐ, bão và tình hình mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ.

Các địa phương rà soát các kịch bản ứng phó thiên tai, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực ven biển, đầm phá, trên lồng bè, chòi canh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khu dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.

Đối với công trình hồ đập, Sở NN&PTNT chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu, không để xảy ra sự cố bất ngờ. Kiểm tra khu neo đậu tránh trú bão, các cơ sở chăn nuôi nhằm hạn chế thiệt hại do bão lũ.

Sở Công thương chỉ đạo các chủ hồ đập thủy điện triển khai các nội dung phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp, đảm bảo an toàn công trình và khu vực hạ du các hồ chứa trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp lưu ý, đây là cơn bão dự báo không mạnh, nhưng hoàn lưu bão gây mưa lớn. Do vậy, yêu cầu các địa phương tiếp tục kêu gọi tàu thuyền, lưu ý các tàu vận tải, tàu nhỏ thường chủ quan nên dễ gây thiệt hại.

Tập trung rà soát tình trạng ngập lụt, di dời dân, đặc biệt ở địa bàn Thừa Thiên Huế. Trong đó, chú trọng vùng thấp trũng, vùng trọng điểm trượt lở núi và các khu vực đô thị. Các địa phương cần có phương án đảm bảo sản xuất nông nghiệp đối với vùng ngập lụt sau khi nước rút. Chú ý khu vực vào thời điểm hoàn lưu bão gây mưa, có thể kết hợp triều cường, sóng lớn dẫn đến ngập lụt kéo dài, nước chậm rút.

“Rút kinh nghiệm cơn bão số 3 vừa qua, hiện nay các hồ thủy lợi, thủy điện ở khu vực Bắc Trung bộ mực nước còn thấp, tuy nhiên, cần lưu ý rà soát các hồ lớn, hồ có cửa van điều tiết, kể cả các hồ thủy điện, cần tuân thủ nghiêm lệnh vận hành hồ chứa, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Các địa phương phải rà soát lại các hồ có vấn đề, không phải đợi đến khi có sự cố xảy ra mới ứng phó”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Ngày 18/9, trên địa bàn huyện Phú Vang có 12 hộ dân bị ảnh hưởng bởi cơn lốc xoáy đi qua. Bao gồm, 8 hộ dân ở khu phố Đông Đổ, thôn Tây Hồ xã Phú Hồ và 4 hộ dân ở thôn Lộc Sơn, xã Phú Xuân. 12 ngôi nhà bị lốc xoáy tốc mái, bay tôn, ngói, có hộ bị sập mái hiên. Ngay sau khi nắm thông tin, chính quyền địa phương đã chỉ đạo lực lượng xã đội, dân quân xã cùng phối hợp với các thôn để khắc phục, giúp cho các hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

 

Bài, ảnh: Nguyễn Khánh - Hải Triều