Đại diện Công ty TNHH SBC Hoàng Gia giới thiệu sản phẩm đến lãnh đạo tỉnh |
Ngày đầu mở cửa, Trung tâm thương mại AEON MALL Huế đón hàng ngàn người dân đến tham quan, mua sắm. Ngay trong đêm đầu tiên AEON MALL Huế hoạt động, khách hàng dường như vắng bóng tại các siêu thị khác.
Điều này không bất ngờ, bởi sức hút của Trung tâm thương mại AEON MALL Huế là rất lớn. Từ sự hoành tráng về cơ sở vật chất, hạ tầng đến việc đáp ứng nhu cầu thị hiếu lẫn các chương trình ưu đãi hấp dẫn, giúp sức hút của trung tâm thương mại lớn nhất Huế có thể sẽ kéo dài thêm một thời gian dài nữa. Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 8 mới đây, lãnh đạo Sở Công thương nói rằng, AEON MALL Huế đi vào hoạt động là “điểm nhấn” cho sự phát triển thương mại của tỉnh.
Ở thành phố được nhận xét khá trầm lắng như Huế thì sự hiện diện của Trung tâm thương mại AEON MALL có lẽ không chỉ dừng lại ở “điểm nhấn”, mà sẽ mang tính đột phá, bởi đây là dự án trọng điểm của tỉnh.
Sự có mặt của AEON MALL Huế là lát cắt điển hình cho những dấu hiệu tích cực trong hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh. Ngoài AEON MALL Huế, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh khá hoàn thiện, có thể kể đến Vincom Plaza, Go!Huế, Co.opmart, Kmart… giúp người dân, khách hàng có nhiều hơn sự lựa chọn.
Thời gian qua, các chương trình kích cầu tiêu dùng được tổ chức đồng loạt ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã giúp nhu cầu mua sắm tăng. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh cũng tận dụng sức mạnh của các kênh bán hàng trực tuyến, đưa sản phẩm lên nhiều nền tảng kinh doanh khác nhau giúp tiếp cận được nhiều khách hàng và tăng doanh thu. Hơn thế nữa, các lễ hội diễn ra đã thu hút nhiều du khách đến Huế du lịch vui chơi cũng như mua sắm, góp phần đưa doanh thu thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá.
Trong bình diện chung ấy, giao thương hàng hóa ở các chợ truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn; sức mua giảm, tình trạng ế ẩm diễn ra khá phổ biến. Sự cạnh tranh từ các sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị… là điều hiển nhiên. Ngoài ra, chợ truyền thống còn chịu sự tác động cạnh tranh của chợ tự phát - nơi người dân chỉ cần chìa hai chân xuống xe máy, 5 phút sau đã có thứ mình cần.
Nếu như trước đây, tình trạng ế ẩm tại các ngôi chợ truyền thống chỉ mang tính thời điểm, ngắn hạn, thì nay, những thách thức như vừa nêu gây trở lực không dễ vượt qua.
Ở đâu đó, có những phiên livestream kéo dài chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ trên facebook, TikTok đã thu về hàng trăm triệu đồng, hay khách hàng chỉ cần nhấp chuột trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Tiki, Lazada… dễ dàng có được thứ mình cần. Song, đối với tiểu thương ở các ngôi chợ truyền thống, khó có thể vận động tất cả họ ứng dụng nền tảng mạng xã hội để bán hàng.
Lẽ dĩ nhiên, trong tổng thu từ hoạt động bán lẻ hàng hóa thì các siêu thị, trung tâm thương mại đang chiếm thị phần lớn. Đó là một thực tế mà ai cũng có thể nhận ra. Trong cục diện này, rõ ràng chợ truyền thống lép vế hoàn toàn. Tự thân các ngôi chợ truyền thống đã nhận ra điều này. Do vậy, một số ngôi chợ đang từng bước áp dụng công nghệ trong mô hình phát triển. Điển hình như chợ Đông Ba triển khai các gian hàng trực tuyến để hỗ trợ cho các tiểu thương trong việc bán hàng; phối hợp mở các lớp tập huấn bán hàng trực tuyến cho tiểu thương…
Những chuyển động đó cho thấy có sự chủ động nhập cuộc của chợ truyền thống. Và, trước khi có những giải pháp sâu hơn về công nghệ đến từ các cơ quan liên quan để hỗ trợ tiểu thương hay công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xây dựng chợ văn minh, thương mại, chợ bảo đảm an toàn thực phẩm...thì tự thân các chợ truyền thống cần phát huy các ưu điểm hiện có.
Dù sang trọng, đầy tiện ích nhưng các trung tâm thương mại, siêu thị không bao giờ có được những nét đẹp văn hóa riêng rất ấn tượng của mỗi vùng miền như tại các ngôi chợ truyền thống.