Tác giả Trần Tuấn

Thưa nhà văn Trần Tuấn, đọc Cà Mau quê xứ có cảm giác như nhà văn sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Để có được thành công đó, có lẽ nhà văn phải vượt qua nhiều thử thách?

Tôi sinh ra và có một phần tuổi thơ ở Hà Nội, nhưng quê cha lại ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Mẹ tôi quê gốc Phú Xuyên (Hà Tây cũ). Tôi theo gia đình vào Đà Nẵng từ năm 1976, tính ra cũng đã ngót 50 năm. Sở dĩ giới thiệu hơi dài dòng như vậy, để thấy rằng cái chất tạm gọi là “đa vùng miền” trong tôi đã ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách, quan điểm sống, những suy tư và lối viết.

Bạn hỏi tôi có phải “vượt qua nhiều thử thách” không, tôi trả lời là “không!”. Với tôi, tất cả đều diễn ra một cách hoàn toàn tự nhiên. Và để có được sự “tự nhiên” ấy, tôi nghĩ phải xuất phát từ tình yêu thật lớn với từng nơi chốn đã qua, cũng như với từng câu chữ của mình. Với tôi, khi muốn viết về một mảnh đất, nơi chốn nào đó, tôi luôn tìm cách nuôi dưỡng cảm xúc, dồn nén cảm xúc, giam giữ cảm xúc trong tâm tưởng cho đến lúc nó “tràn ứ” rồi mới đặt chân đến, và viết. Lúc ấy, nơi chốn ấy không còn là miền đất bình thường nữa, mà đã trở thành “miền tâm tưởng”.

Có một “dòng” văn chương về Cà Mau với nhiều góc nhìn khác nhau từ trang viết của các cây bút thế hệ trước, như Sơn Nam, Nguyễn Tuân, Anh Đức, Xuân Diệu và nay là Nguyễn Ngọc Tư. Tiếp tục khám phá mảnh đất này, nhà văn có cảm thấy áp lực? Điều gì thôi thúc nhà văn viết bài ký này?

Điều thôi thúc tôi về Cà Mau để viết đó là nơi đây quá đặc biệt. Là nơi chót cùng đất nước với mom sông, mép biển, ngôi nhà dựng từ thân đước chơi vơi. Là nơi những hạt phù sa như những đọt mầm sung mãn sức sống sinh nở từng ngày. Tất nhiên, cương thổ của đất nước ta có vô số những “nơi chót cùng” như thế. Nhưng với Cà Mau, tất cả đều rõ ràng, hiện hữu và đã đọng sâu trong tâm tưởng của tôi từ khi mới cắp sách đến trường đọc được hai chữ “Cà Mau”. Khi mọi cảm xúc, suy tư, tưởng tượng đã chín căng, đầy ứ, thì tôi mới khoác ba lô lên và đi.

 

Khi viết về Cà Mau, tôi hoàn toàn không cảm thấy bị áp lực gì, dù trước đó có vô số những cây bút nổi tiếng đã để lại bao nhiêu sách vở, thi ca về vùng đất này. Thậm chí ngược lại, tôi còn cảm thấy dễ viết hơn. Nguồn hứng khởi ý tưởng và cảm xúc của tôi trong các bài ký luôn xuất phát từ đó. Biến tất cả thành “nguyên liệu” và chất xúc tác cho ngòi bút của mình, để rồi đặt vào đó một trường/mạch suy tư riêng. Ta thường nghe nhận xét ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường “giàu chất sử thi” là vậy. Bởi văn của ông chất chứa biết bao trầm tích của tư tưởng, sự kiện, nhân vật, câu chuyện... của người xưa. Mà nếu thiếu điều đó sẽ khó có được những Ai đã đặt tên cho dòng sông, Ngọn núi ảo ảnh, Mượn đá để ngồi…  Viết được Cà Mau quê xứ, tôi biết ơn tất cả những nhà văn, nhà thơ trước đó đã viết rất hay về nơi này.   

Tiếp cận Cà Mau quê xứ, nhiều bạn đọc là thầy cô giáo dạy Ngữ văn cho rằng, tác phẩm này nghiêng về tản văn (khó để phân biệt rạch ròi) bởi căn cứ vào sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình cùng các yếu tố khác như nghị luận, miêu tả… nhằm thể hiện những rung cảm thẩm mỹ và quan sát tinh tế của tác giả về đối tượng là đất và người Cà Mau. Nhà văn nghĩ như thế nào?

Với báo chí đơn thuần, thì những bài như Cà Mau quê xứ vẫn được xếp vào trang/mục Phóng sự, Ký sự, Ghi chép. Theo dõi sâu về báo chí hiện nay, tôi nhận thấy đa phần các bài trong trang mục này trên các báo đều nghiêng hẳn về chất thông tấn, nghĩa là mang tính chất trần thuật, tường thuật, phản ánh một cách chính xác, khách quan hiện thực đơn thuần như nó đang có, mà rất hiếm hoi cái gọi là “chất văn”, chất tự sự, cái tôi trữ tình, cảm xúc thẩm mỹ, sự liên tưởng… trong đó. Chất thông tấn trong các ký sự, phóng sự cũng chính là yêu cầu nghiêm ngặt với hầu hết các tờ báo lớn.

Trở lại với việc Cà Mau quê xứ được nhiều bạn đọc là thầy cô giáo dạy Ngữ văn cho rằng tác phẩm này nghiêng về tản văn, tôi thấy cũng có lý. Nhưng cá nhân tôi, Cà Mau quê xứ nếu xếp vào tùy bút sẽ hợp lý hơn. Đặt cảm thức và suy tư cá nhân về một địa danh, nhân vật làm “trụ”, rồi cứ thế miên man thả trôi ngòi bút, phát huy tối đa chất thơ (ngôn ngữ, thi ảnh, nhạc điệu, vần điệu, cấu tứ…), mà mình sở đắc. May mắn là cái “tôi” riêng biệt ấy thường gặp được cái chung. 

Khi một nhà văn mà tác phẩm của họ được chọn đưa vào sách giáo khoa thì đó là một niềm vui lớn. Với tư cách là tác giả, nhà văn mong muốn điều gì ở người tiếp nhận và có thể “bật mí” đôi chút về hướng tiếp cận lý tưởng cho cả thầy và trò khi dạy và học đứa con tinh thần này của mình?

Với bạn đọc nói chung, tôi mong ai đó đọc Cà Mau quê xứ sẽ có được những cảm xúc đẹp, để thêm yêu quê hương, đất nước mình. Đồng thời cũng lưu lại ít nhiều trong trí nhớ của mình những thứ theo thời gian đã phai nhạt hoặc không còn nữa. Còn với tư cách tác giả của một tác phẩm được dạy trong nhà trường, cũng thật khó để đưa ra “hướng tiếp cận lý tưởng”, bởi nó sẽ khá chủ quan và không bao giờ hoàn hảo.

Nhưng tôi cũng xin có mấy trao đổi nhỏ thế này. Một điểm mấu chốt, theo tôi Cà Mau là mảnh đất rất đặc biệt, là điểm cuối của hành trình mở cõi. Nhưng hành trình ấy vẫn chưa dừng lại, mà một cách thật tự nhiên vẫn âm thầm sinh nở, sinh sôi với những đọt phù sa tươi ròng mỗi ngày. Vậy nên tác giả đã chọn hướng triển khai tác phẩm với những cảm xúc/ngôn ngữ/hình ảnh/nhân vật/câu chuyện/liên tưởng… thật tươi mới và đầy sức sống. Mỗi câu chữ trong bài đều toát lên điều ấy. Cảm xúc/ngôn ngữ mang nhiều nét mới mẻ, miên man, chồng chất và trải dài như những “hạt phù sa ròng ròng tươi mới”, như những thân đước vươn về mỗi bình minh,…

Một điều nữa, đó là dù hướng về cái tươi mới của hiện thực đời sống vùng đất này, thì cảm xúc của tác giả vẫn hài hòa với cái nền của truyền thống. Đó là truyền thống/quá khứ đấu tranh của cha ông, những trang viết của thế hệ đi trước, những hạt phù sa, là mảng mây nghìn tuổi, là một chữ “xứ” liệu sẽ còn không, là những thân đước chúng ta phải chung tay giữ gìn, là làn khói cay nồng của than đước Năm Căn…

Xin cảm ơn nhà văn về cuộc trò chuyện này!

Trần Văn Toản (Thực hiện)