Ông Nguyễn Đình Đãi trong cuộc sống đời thường hôm nay. Ảnh: Đức Quang |
Tôi không ngờ chỉ trong vòng 7 năm bám trụ chiến trường nam Thừa Thiên Huế, ông lại có đến 6 lần thuyên chuyển đơn vị: Đội Biệt động Nguyễn Văn Trỗi - Đội Biệt động Quận Hữu - Đại đội 3 Tiểu đoàn 4 (K4) - Đội Biệt động Quận Tả - B14 Thành ủy Huế - Đội Biệt động Quận Tả - Huế.
Do liên tục thay đổi đơn vị nên khi trò chuyện, tôi đã chắt lọc những điều còn đọng lại trong ký ức của ông. Nếm trải đầu tiên mà Nguyễn Đình Đãi trải qua là cái đói xuất hiện khi mấy anh em còn sống sót của Đội Biệt động Nguyễn Văn Trỗi (phần lớn hy sinh hoặc bị bắt, trong đó có Chính trị viên Nguyễn Trường Nghĩa) sáp nhập vào Đội Biệt động Quận Hữu đầu năm 1969. Lúc này, Đội Biệt động Quận Hữu - Huế đóng ở Khe Vàng, do ông Ngô Tài Nhiên làm Chính trị viên.
1969 là năm mở đầu cho giai đoạn gian khổ và ác liệt nhất ở chiến trường Thừa Thiên Huế. Thời điểm này ở đồng bằng, đối phương đã cơ bản hoàn thành chương trình “Bình định cấp tốc”. Vùng núi rừng A Lưới - nơi có tuyến đường 559 xuyên qua, Mỹ liên tục ném bom và lập các căn cứ hỏa lực, tìm phá kho tàng của ta. Hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Huế bị “mắc kẹt” ở giữa. Không còn cả rau rừng để cầm hơi, các cơ quan, đơn vị lập các đội thu mua và cử người tìm về đồng bằng cùi, cõng gạo. Hầu như chuyến đi nào cũng có người hy sinh.
Ông Nguyễn Đình Đãi nhớ lại: Đêm 11/3/1969, tôi và anh Trần Đình Thành (quê Quảng Thái, Quảng Điền) nằm trong đoàn 42 người về Hải Thủy (Thủy Phù ngày nay) thu mua gạo.
Ông Nguyễn Đình Đãi trong cuộc sống đời thường hôm nay. Ảnh: Đức Quang |
Trên đường trở về hậu cứ, khi chưa ra khỏi làng thì màn đêm phủ dày pháo sáng. Từ máy bay, địch dùng loa kêu gọi: “Hỡi anh em cán binh V.C! Các anh đã bị QĐVNCH và đồng minh bao vây. Các anh hãy buông súng đầu hàng. Mau mau trở về với quốc gia!”.
Cuộc chiến không cân sức diễn ra. Binh sĩ của Trung đoàn 54 ngụy phối hợp với binh sĩ Mỹ điên cuồng xả đạn. Mìn định hướng Claymore, lựu đạn nổ tứ bề. Tôi và anh Tám (quê Thủy Phương, Hương Thủy) chạy theo 2 du kích ẩn nấp giữa cánh đồng gần đó, hai ngày sau mới tìm đường trở về đơn vị. Trong trận phục kích này, ngoài 2 chiến sĩ bị bắt, cả đoàn đi cùi gạo hôm ấy có tới 36 cán bộ, chiến sĩ hy sinh! Một tổn thất quá lớn cho thấy vào thời điểm đó để có từng hạt gạo cứu đói cho hậu cứ, chúng ta đã phải đánh đổi quá nhiều xương máu.
Ngoài Nong - Phú Bài, đơn vị còn cử chúng tôi về Truồi thu mua gạo. Tôi nhớ đoàn có 9 người, nhưng đã có 2 chiến sĩ hy sinh do bị phục kích. Số còn lại 7 anh em chúng tôi do bị “tắc” đường nên được lệnh tăng cường cho Tiểu đoàn 4 (K4) của Thành đội Huế đang lập hậu cứ ở vùng Bắc Truồi, Phú Lộc. Chúng tôi trở thành lính của Đại đội 3 do ông Biểu (quê Nam Hà) làm Đại đội trưởng vào giữa năm 1969.
Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng bộ và Nhân dân Diên Lộc (Lộc An, Phú Lộc ngày nay), Đại đội 3 đã vượt qua khó khăn, gian khổ kiên trì bám đất, bám dân quyết thực hiện cho bằng được nhiệm vụ được giao.
Đồi 303 ở vùng bắc Truồi là nơi trú quân của Đại đội 3. Hôm đó, tổ 3 người gồm Nguyễn Đình Đãi và 2 chiến sĩ: Bình, Tý cùng tuần tra. Đãi đi sau. Nghe có tiếng động, ông ngồi xuống nghe ngóng và phát hiện ở phía bên kia đường vừa có một toán thám báo xuất hiện. Là xạ thủ B40, Nguyễn Đình Đãi đã hướng nòng súng về phía đó điểm hỏa. Kiểm tra hiện trường đối phương để 7 chiếc ba lô. Với thành tích này, Nguyễn Đình Đãi được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 3.
Để ngăn địch từ căn cứ La Sơn đưa xe tăng vào đánh phá hậu cứ, sau khi khảo sát địa hình tuyến Tỉnh lộ 14, dưới sự chỉ huy của Trung đội trưởng Chuyên, xạ thủ B40 Nguyễn Đình Đãi đã chọn một vị trí phù hợp đào hố và sau đó như ông mô tả: “Tôi đã vặn chong chóng để đuôi đạn lòi kíp nổ rồi đặt xuống, lấp đất và ngụy trang”. Đúng như dự tính, xe tăng lăn qua, quả đạn B40 phát nổ và Nguyễn Đình Đãi được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt xe tăng.
Nam Phổ Hạ nằm ở phía bắc sông Truồi, nơi tiếp giáp với Quốc lộ I ở phía đông và vùng đồi núi giáp ranh ở phía tây. Kể từ khi K4 và các cơ quan dời lên vùng núi Bắc Truồi, Nam Phổ Hạ trở thành mắt xích trọng yếu nằm trên tuyến hành lang mới của Phú Vang. Ở đây, từ Quốc lộ I cho đến vùng giáp ranh, đối phương rải quân ngăn chặn, đánh phá làm cho tình hình lúc bấy giờ hết sức căng thẳng. Để giảm bớt áp lực, Đại đội 3 xác định phải phá rã từ bên trong - nơi mà đoàn “Bình định” đang “ba cùng” nhằm lôi kéo người dân Nam Phổ Hạ “ngăn không cho V.C xâm nhập”, nhưng âm mưu đó bất thành do bị Đại đội 3 kết hợp với du kích địa phương mở nhiều cuộc tấn công.
Với những thành tích nổi bật khi tăng cường cho Đại đội 3 (K4), cuối năm 1969, Nguyễn Đình Đãi vinh dự được cử tham dự Đại hội Chiến sĩ thi đua cấp Quân khu và năm 1970, ông được kết nạp Đảng.
*
Thất bại của chiến dịch Lam Sơn 719 làm cho đối phương lâm vào thế bị động, lúng túng. Cục diện chiến trường thay đổi. Sau khi tái lập, giữa năm 1971, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế chủ trương đưa cán bộ về đồng bằng bám trụ, xây dựng phong trào.
Từ K4, Nguyễn Đình Đãi được điều về Đội Biệt động Quận Tả Huế. Đội do ông Đinh Như Huề làm đội trưởng. Thuở ban đầu họ nương nhờ địa bàn xã Thủy Thanh (Hương Thủy) để móc nối và xâm nhập địa bàn Phú Hồ của huyện Phú Vang.
Tại đây, họ đã cùng lãnh đạo Phú Hồ như Bí thư Dương Văn Bằng và Phó Bí thư Nguyễn Thị Lành xây dựng nhiều cơ sở trung kiên, đào hầm bí mật, tạo vùng “lõm” làm nơi đứng chân của lãnh đạo Phú Vang khi về chỉ đạo phong trào.
Sau chiến dịch La Sơn - Mỏ Tàu, cuối năm 1974, chiến trường Thừa Thiên Huế có bước chuyển biến mới. Tại hậu cứ khe Đầy, Đội Biệt động Quận Tả - Huế tái lập. Đội có 14 thành viên do Lê Văn Đoàn làm Đội trưởng, Nguyễn Văn Nhã làm Đội phó và Nguyễn Đình Đãi được cử làm Chính trị viên.
Trước khi tiến về đồng bằng tham gia cuộc tấn công và nổi dậy đợt I (3/1975), đội đã tiến hành tập luyện kỹ, chiến thuật sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới được giao.
Sau khi “ém” quân ở cánh đồng Mỹ Thủy (Hương Thủy), ngày 9/3/1975, Đội Biệt động Quận Tả và Quận Hữu - Huế phối hợp với trung đội của Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 Đặc công Thành đội Huế tấn công địch ở xã Phú Lương - Phú Vang.
Tại đây, mũi do Nguyễn Đình Đãi phụ trách sau khi nhận được tin báo đã bắt “1 nghĩa quân và 3 nhân dân tự vệ” đang lẩn trốn trong hầm. Từ làng Chính Đông, một đại đội biệt động quân tuần tra phát hiện Quân giải phóng ở làng Lang Xá Tây. Giao tranh diễn ra. Đội Biệt động có 2 chiến sĩ: Khang, Bông bị thương. Được lệnh của Thành đội trưởng Dương Quang Đấu, họ rút về xã Phú Xuân phối hợp với K4 và Huyện đội Phú Vang đánh địch phản kích. Giao tranh tiếp tục diễn ra ở Viễn Trình, Lương Viện, Giang Đông A, B.
Qua 5 ngày chiến đấu (9-14/3/1975), Phú Vang có 2 xã: Vinh Phú, Vinh Thái và 17 thôn được hoàn toàn được giải phóng, phá thế kềm kẹp, góp phần cùng Thừa Thiên Huế buộc đối phương thay đổi thế trận phòng thủ, tạo tiền đề để tiến tới giải phóng hoàn toàn Thừa Thiên Huế vào ngày 26/3/1975.
Trong đoàn quân chiến thắng trở về có Chính trị viên Đội Biệt động Quận Tả - Huế Nguyễn Đình Đãi...