Sinh viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế tham gia vẽ tranh bích họa ở Phong Điền |
Làm đẹp bằng tranh bích họa
Năm học mới, học sinh các trường mầm non, tiểu học ở xã Điền Môn, huyện Phong Điền khi trở lại trường đã rất bất ngờ vì ngôi trường của mình đã mang diện mạo mới. Từ những bức tường chỉ sơn một màu, nay được trang trí bằng những bức tranh bích họa sinh động về con người, đời sống, những danh lam thắng cảnh, biển đảo quê hương… Tất cả tạo nên khung cảnh tươi vui, hào hứng đầu năm học mới.
Để có được hàng trăm m2 tranh bích họa tại các trường ở xã Điền Môn, hơn 60 sinh viên, giảng viên Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế đã vẽ trong một tuần lễ của Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2024. Với lợi thế riêng, các sinh viên tham gia vẽ tranh vừa thỏa sức sáng tạo nghệ thuật, vừa mang lại sức sống mới cho các công trình, trường học, các điểm công cộng.
Sinh viên tham quan triển lãm nghệ thuật tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế |
Nguyễn Văn Viễn Phương, sinh viên Trường đại học Nghệ thuật chia sẻ, tình nguyện hè và những hoạt động hướng về cộng đồng khác của trường luôn mang lại nhiều cơ hội trải nghiệm thực tế, ý nghĩa về mặt tinh thần cho sinh viên. Trước hết, giúp cho đoàn viên, thanh niên có cái nhìn tích cực, ý nghĩa về hoạt động cộng đồng, xã hội; qua đó, giúp sinh viên mạnh dạn hơn trong các hoạt động tập thể chung. Bên cạnh đó, sinh viên còn học thêm được các kỹ năng mềm cũng như kinh nghiệm từ công việc thực tế.
“Về mặt chuyên môn, mỗi chuyến đi tham gia vẽ tranh thực tế sẽ là một lần được học hỏi thêm về kinh nghiệm. Sau mỗi hành trình, hàng trăm bức tranh được gửi gắm ở lại. Ai cũng thích thú là động lực để tuổi trẻ tiếp tục hành trình đi và vẽ tranh hướng về cộng đồng. Với em, các hoạt động này giúp mình tiếp cận gần hơn với nhiều con người, điểm đến. Từ đó, có cái nhìn khách quan hơn cho cuộc sống, nghề nghiệp. Sống không chỉ cho bản thân mình mà còn phải biết mang lại các giá trị cho cộng đồng, xã hội”, Nguyễn Văn Viễn Phương nói.
Sinh viên Cao Trà My không giấu vẻ tự hào nói, sau mỗi chuyến đi, mang những nét vẽ đến với những vùng đất mới, mang lại vẻ đẹp cho các công trình, trường học. Tự hào hơn là những bức tranh đó trở thành những điểm “check-in” mới cho các địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Sau mỗi chuyến đi như thế, bản thân đúc kết hơn những kinh nghiệm chuyên môn. Đó là cách lựa chọn bối cảnh, chủ đề phù hợp; cách phối màu, canh chỉnh tỷ lệ giữa nhân vật, bối cảnh trong mỗi bức tranh... Đến mỗi vùng đất mới, tham quan, khám phá đời sống, cảnh quan và sau đó được sáng tạo lại trong tranh cũng giúp bản thân có nguồn tư liệu quý sau này. Chính vì thế, hoạt động nào cô sinh viên này cũng tham gia tích cực.
Thành quả ngoài mong đợi
Theo ThS. Chu Tiến Lực, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế, để nâng cao chuyên môn sinh viên, bên cạnh tổ chức các đợt vẽ tranh bích họa tại các trường học, các điểm văn hóa, nhà trường thường có nhiều hoạt động như, tổ chức triển lãm tác phẩm mỹ thuật tại trường, các bảo tàng; tổ chức vẽ trực họa, ký họa, sáng tác tại các điểm đi tích, làng cổ; vận động sinh viên tham gia các cuộc thi mỹ thuật; thiết kế các ấn phẩm truyền thông, logo; thành lập các CLB ký họa, nhiếp ảnh, thời trang. Ngoài ra, trường cũng tôn vinh những sinh viên đoạt các giải về mỹ thuật... nhằm khuyến khích sinh viên tiếp tục tham gia sáng tạo nghệ thuật.
Từ những phong trào, hoạt động mang nghệ thuật đến với cộng đồng, nhiều sinh viên Trường đại học Nghệ thuật nhanh chóng trưởng thành, ghi dấu ấn qua các giải thưởng uy tín. Như tại cuộc thi vẽ tranh “Nét trữ tình nơi làng cổ” trong khuôn khổ Ngày hội Hương xưa Làng cổ được tổ chức tại Phước Tích (Phong Hòa, Phong Điền) trong tháng 8/2024, các giải thưởng cao nhất đều thuộc về sinh viên Trường đại học Nghệ thuật. Sinh viên Lê Thị Nhớ - người đoạt giải Nhì cuộc thi chia sẻ, đến với làng cổ, thời gian trôi chậm rãi. Đó là khoảng thời gian để tìm hiểu, thâm nhập vào đời sống, văn hóa đặc trưng của vùng đất. Với chiều sâu văn hóa của làng cổ, bản thân cô cũng tìm thấy cho mình phong cách sáng tác khác so với trước.
Mới đây nhất, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (cơ quan thường trực giải thưởng) công bố kết quả Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ VII (2018 - 2023). Ở hạng mục tác phẩm, công trình chuyên ngành mỹ thuật, sinh viên Lê Trung Kiên xuất sắc giành giải C. Năm 2024 này, Kiên cũng đoạt giải Tác giả trẻ tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực IV - Bắc miền Trung được tổ chức tại Thanh Hóa. Đầu năm 2024, một tác phẩm của Kiên được lựa chọn trong 24 tác phẩm tham gia Triển lãm Mỹ thuật quốc tế tại New York, Hoa Kỳ.
Lê Trung Kiên chia sẻ bí quyết, với nghệ sĩ đòi hỏi có sự từng trải. Vì vậy, cần tham gia nhiều hoạt động, đi thật nhiều để khám phá những vùng đất mới, tìm hiểu văn hóa đặc trưng của từng nơi đến… để trang bị cho mình vốn kiến thức cần thiết. Với xu hướng hiện nay cũng có thể học hỏi, tra cứu thông tin trên không gian mạng. Từ những yếu tố đó, đúc kết cho mình một phong cách, trường phái sáng tác riêng… Khi đó, những sáng tạo sẽ mang lại giá trị.