Lực lượng CSGT Công an TP. Huế xử lý thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Từ thực tế
Ngay từ những tháng đầu năm 2024, trên tuyến QL1A và cao tốc Cam Lộ - La Sơn (đoạn đi qua địa bàn tỉnh) liên tục xảy ra các vụ TNGT. Các vụ TNGT này gây thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đến người và tài sản. Riêng tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn xảy ra 4 vụ TNGT, làm 7 người tử vong, 5 người bị thương.
Có thể kể đến là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra giữa ô tô con biển kiểm soát Thanh Hóa và các xe tải khiến 3 mẹ con tử vong, 2 người bị thương xảy ra vào sáng 18/2/2024. Tiếp đó, tối 10/3/2024, tại Km58 cao tốc Cam Lộ - La Sơn (địa phận huyện Phong Điền), ô tô khách chạy theo hướng Quảng Trị vào TP. Đà Nẵng, khi đến vị trí trên đã va quệt với ô tô tải bị nổ lốp đang đỗ phía trước cùng chiều. Vụ tai nạn khiến 2 vợ chồng cùng trú huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trên xe khách tử vong, nhiều người khác bị thương...
Điểm qua một số vụ TNGT như trên để thấy rằng, TNGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn những diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng qua đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân phần lớn gây tai nạn nhiều nhất là do tài xế không làm chủ tay lái, thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, không đi đúng phần đường, chuyển hướng không đảm bảo an toàn.
Xử lý và nhắc nhở thanh, thiếu niên vi phạm Luật Giao thông đường bộ |
Tăng cường các giải pháp
Ngoài điều chỉnh, phân luồng, tuyến để các ô tô lưu thông, hệ thống giao thông trên tuyến đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng đã và đang được ngành chức năng đầu tư, sửa chữa cho phù hợp với thực tế, hạn chế đến mức thấp nhất TNGT.
Để kéo giảm các vụ TNGT, nhiều cuộc họp bàn giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh, TP. Huế và các đơn vị, địa phương được triển khai. Ngoài tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo, các sở, ban, ngành, địa phương cũng đã triển khai nhiều giải pháp khác nhau, với mục tiêu: Chủ động, kiểm soát tình hình, không để TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Trên tuyến QL1A, đường tránh Huế, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Thanh tra giao thông tổ chức các các điểm cân trọng tải, tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); trong đó, xử lý nghiêm tình trạng phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ, vi phạm về tốc độ.
Hành vi người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, ma túy, chạy nhanh, vượt ẩu… cũng đã và đang được công an từ tỉnh đến cơ sở xử lý quyết liệt, với quyết tâm: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ; nghiêm cấm can thiệp, tiếp nhận can thiệp việc xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông của lực lượng chức năng”.
Bất kể ngày, giờ, nhất là vào buổi chiều, tối mỗi ngày, các chốt kiểm tra nồng độ cồn vẫn luôn được lực lượng CSGT toàn tỉnh phối hợp với các lực lượng khác triển khai, nhằm tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, nâng cao ý thức người dân: “Đã uống rượu bia, không lái xe”.
“Không chỉ lập chốt, lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động, cảnh sát hình sự trong toàn tỉnh còn triển khai tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường, đi sâu vào các ngõ hẻm để xử lý vi phạm nồng độ cồn. Mục tiêu cao nhất là, tạo thói quen đối với người điều khiển phương tiện tham giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT do bia rượu”, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh thông tin.
Từ khi tăng cường ráo riết các giải pháp, xử lý mạnh về nồng độ cồn, ma túy, các hành vi vi phạm Luật GTĐB, các vụ TNGT trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt. Những vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng dẫn đến chết người, gây thiệt hại lớn về tài sản không xảy ra.
Tuy nhiên, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cố tình sử dụng nồng độ cồn vẫn còn khá phổ biến. Số này, phần lớn tập trung vào lứa tuổi thanh, thiếu niên, trung niên và tất cả các hành vi vi phạm đều bị lực lượng CSGT phát hiện, lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không có chuyện “xin, cho”.
“Mục tiêu cao nhất là làm sao để nâng cao ý thức, tạo thành thói quen thường ngày của người dân trong cuộc sống: “Đã uống rượu bia, không lái xe”; để không còn những vụ TNGT thương tâm xảy ra do bia rượu”, Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế chia sẻ.
Các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an TP. Huế và công an các địa phương đã và đang triển khai các giải pháp cụ thể để kéo giảm TNGT xuống mức thấp nhất. Tại các tuyến đường, địa điểm, địa bàn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm nồng độ cồn cao đều có lực lượng CSGT ứng trực, xử lý người vi phạm. Lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp công an các xã, phường làm việc trực tiếp với chủ nhà hàng, quán bar, địa điểm giải trí... để phối hợp, vận động khách hàng chấp hành nghiêm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
“Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật để răn đe, giáo dục; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất các vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh”, Đại tá Hồ Xuân Phương, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định.