Đống xà bần được đổ ra từ công trình xây nhà ở của một gia đình gây nhếch nhác, xấu khu xóm |
1. Xóm nhỏ khu phố tôi ở chưa tới 25 nóc nhà lớn, nhỏ. Không ngoa khi nói rằng mỗi người dân trong xóm cũng có ý thức trách nhiệm về giữ gìn vệ sinh chung, đường xóm lúc nào cũng tươm tất, ít khi có rác thải ứ đọng. Mới đây, dì B. ở xóm trên đến mua lô đất trống trong khu, tuyển thợ xây ngôi nhà cho cậu con trai vừa cưới vợ, trong khu phố ai cũng vui vì có thêm hàng xóm láng giềng mới.
Công trình nhà ở của dì B. được đội thợ, máy móc xây cao dần lên. Chuyện là gần đây, hễ vào cuối giờ chiều, trong xóm lại nghe văng vẳng những tiếng ồn, cãi vã từ ngôi nhà đang thi công và hai ba nhà bên cạnh. Hóng chuyện, đại loại là do những tốp thợ xây để vật liệu sắt thép lấn ra đường chèn tắc lối đi của những nhà bên cạnh, vôi vữa thừa vứt đổ lung tung thành những đống xà bần lổm nhổm bên vệ đường. Ban đầu tôi và nhiều người trong khu phố cứ nghĩ những chủ nhà bên cạnh công trình của dì B. không hiểu chuyện, thiếu sự thông cảm, chia sẻ.
Hôm rồi, ngang qua công trình dì B. tôi mới thấy tốp thợ xây vô tư bày sắt thép ngay giữa lòng đường; những đống gạch, xi măng chuẩn bị đưa vào xây tầng 3 lại chất đầy cả vỉa hè làm cho xe lớn, xe nhỏ rất khó qua. Nhìn vào bên trong công trình nhà dì B. đang xây thì bụi bay nghi ngút mà chẳng thấy những tấm bạt che chắn cho không gian các nhà bên cạnh. Chứng kiến thực tế, tôi nghiệm ra đúng là “có lửa mới có khói”. Từ chủ nhà là dì B. đến những người thợ xây có vẻ như đã thiếu sự tôn trọng và lợi dụng sự chia sẻ, cảm thông từ những gia đình trong xóm mà được nước “lấn tới”. Hơn nữa, khi nhìn đống xà bần ở lô đất trống cuối xóm ngày một đắp cao được đưa đến từ công trình nhà dì B. thì không ai chấp nhận được. Dù chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp ở khu phố chưa đầy 25 nóc nhà, nhưng với hành vi ứng xử của dì B. và những anh thợ xây kia quả thật không đẹp mắt chút nào, làm cho không gian chung của xóm bị chiếm dụng, môi trường cảnh quan bị đảo lộn, xấu dần đi.
Từ chuyện nhỏ trong xóm, tôi lại nghĩ đến chuyện không mấy vui trên con phố mà tôi thường qua lại hàng ngày. Tuyến phố này trước đây thuộc vào diện “phố làng” vì vẫn còn hơi hướng xã lên phường, nằm xa trung tâm thành phố, nhà cửa hai bên tuềnh toàng. Đường phố chưa có vỉa hè, mưa xuống nước không biết chảy đi đâu. Mấy năm nay, trước nhu cầu phát triển, nhiều công trình dân sinh được xây dựng khang trang nên đường phố này trở nên đông đúc, lưu lượng người, phương tiện qua lại nhiều hơn. Do đường hẹp, xe cộ qua lại đông đúc, nhất là các xe có tải trọng lớn chở đất đá vào các công trình xây dựng nên lòng đường càng chật hẹp hơn. Hễ vào giờ cao điểm, nhiều đoạn trên đường phố này bị ùn tắc cục bộ.
Chuyện sẽ không đáng nói nếu do “xuất phát điểm” còn khó nên đành chấp nhận khó chung. Nhưng đằng này, nhiều gia đình ở mặt tiền đường phố bắt đầu chỉnh trang mở hàng quán kinh doanh buôn bán theo kiểu “làng xã”. Vì thấy quán nhỏ, chật hẹp, nhiều nhà thi nhau cơi nới, đưa hàng hóa lấn ra lòng đường. Ai cũng nghĩ đơn giản chỉ nới thêm chút chẳng làm sao, nhưng người này làm được thì người kia cứ thế làm theo mà chẳng quan tâm đến việc gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xung quanh và làm xấu bộ mặt đô thị.
Cũng không riêng con phố tôi đang đề cập, hiện nay, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán vẫn đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi trong thành phố. Với thái độ, hành vi ứng xử của những chủ hàng quán chỉ biết lợi ích cá nhân, trước mắt mà quên lợi ích chung, lợi ích của cả cộng đồng thì các cơ quan chức năng cũng cần sớm vào cuộc để nhắc nhở, xử lý. Vì nếu để kéo dài tình trạng này thì có thể gián tiếp gây tai nạn giao thông cho người đi đường.
Tất nhiên để giải quyết những câu chuyện trên, ngoài chế tài từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, hơn ai hết những người trong cuộc cần thay đổi nếp nghĩ, có ý thức thị dân để cùng nhau kiến tạo và xây dựng môi trường sống văn minh, lành mạnh, an toàn.