Vẫn còn nhiều hồ đập trên địa bàn tỉnh đã đến hạn nhưng chưa được kiểm định an toàn đập

Kiểm định chưa chuyên sâu

Đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh cho thấy, công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi đã được các địa phương, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện theo đúng các nội dung quy định tại Luật Thủy lợi. Tuy nhiên, một số quy định khác như kiểm định an toàn đập, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du, cắm mốc hành lang bảo vệ… cần có kinh phí lớn để triển khai nên công tác này vẫn còn “bỏ ngỏ”.

Theo quy định của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước, các hồ phải được kiểm định lần đầu trong năm thứ 3 kể từ ngày tích nước đến mực nước dâng bình thường. Định kỳ 5 năm kiểm định lại, kể từ lần kiểm định gần nhất đối với đập, hồ chứa nước quan trọng đặc biệt, lớn và vừa.

 Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi) - đơn vị đang quản lý 24 hồ chứa nước loại lớn, vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh cho hay, hiện chỉ có hồ thủy lợi Khe Ngang (TP. Huế) được kiểm định năm 2020 (chưa đến thời hạn kiểm định lại) và 5 hồ thủy lợi khác ở các địa phương vừa mới được nâng cấp sửa chữa (đã được kiểm tra, đánh giá an toàn đập), còn lại các hồ đều đến thời hạn nhưng chưa thực hiện kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước do thiếu kinh phí.

Ông Lê Văn Tuyến, Phó Trưởng phòng Phòng kỹ thuật - quản lý nước Công ty Thủy lợi cho biết, đối với các hồ chứa nước đã đến hạn kiểm định, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí để thực hiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tuy nhiên, kinh phí kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước hiện vẫn rất khó khăn.

Theo tính toán của công ty, bình quân một hồ thủy lợi thuộc loại lớn (dung tích trên 3 triệu m3 và chiều cao thân đập bằng hoặc hơn 15m) kinh phí kiểm định an toàn đập khoảng 1,5 tỷ đồng/hồ. Để có kinh phí thực hiện, từ năm 2021, công ty đã có tờ trình về việc xin phê duyệt kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Luật Thủy lợi và các văn bản hướng dẫn thi hành nhằm đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước. Theo đó, công ty đề xuất bố trí kinh phí hơn 151 tỷ đồng để đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước; lắp đặt thiết bị quan trắc đập, sửa chữa nâng cấp hiện đại hóa thiết bị vận hành, xây dựng bản đồ ngập lụt…, trong đó, có hạng mục kiểm định an toàn đập các hồ chứa với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay việc kiểm định an toàn đập vẫn khó khăn do chưa được bố trí kinh phí. Do khó khăn nên hiện công tác kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước trước mùa mưa lũ chỉ thực hiện trực quan bằng mắt thường, không thực hiện được các quy trình chuyên sâu.

Ưu tiên các hồ cần thiết

Theo ông Lê Văn Tuyến, trước mắt, đơn vị sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các hồ chứa cần thiết phải kiểm định kịp thời, sử dụng các nguồn vốn, nguồn thu hiện có của đơn vị để từng bước tiến hành kiểm định các đập, hồ chứa nước thuộc phạm vi quản lý theo quy định. Đồng thời, đề xuất bổ sung vào kế hoạch vốn trung hạn 2026 - 2030 để kiểm định các hồ chứa theo đúng quy định.

Chi cục Thủy lợi tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 770 triệu m3. Trong đó, có 1 hồ chứa nước quan trọng đặc biệt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quản lý, 8 hồ chứa nước loại lớn, 17 hồ chứa nước loại vừa và 30 hồ chứa nước loại nhỏ. Công ty Thủy lợi quản lý 24 hồ chứa nước loại lớn, vừa và nhỏ, 31 hồ chứa còn lại do các địa phương quản lý.

Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 3 hồ chứa đã được kiểm định, gồm hồ Thủy Yên vừa mới xây dựng, hồ Truồi và Hòa Mỹ đã kiểm định giai đoạn 1, Khe Ngang đã kiểm định năm 2020. Bên cạnh đó, Tiểu dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB8) đã hoàn thành sửa chữa, nâng cao an toàn đập cho 9 hồ chứa nước: Phú Bài 2, Ba Cửa, Năm Lăng, Tà Rinh, Ka Tư, Phụ Nữ, Cây Cơi, Cừa, Khe Rưng. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT đã sửa chữa nâng cấp hồ chứa nước Thọ Sơn,  UBND huyện Phong Điền đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa hồ Khe Mang, Công ty Thủy lợi đã đầu tư sửa chữa hồ A Lá, Kăm Đôn B, Khe Ngang, UBND TP. Huế đã đầu tư sửa chữa hồ Khe Nước.

Đối với các hồ chứa nước còn lại, hàng năm, Sở NN&PTNT, Hội đồng tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước đều tiến hành các đợt kiểm tra an toàn đập, hồ chứa nước để Kịp thời phát hiện các hư hỏng, sự cố, quá trình vận hành của công trình để có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trước và sau mùa mưa lũ.

Các địa phương có đập, hồ chứa nước và Công ty Thủy lợi cần chủ động thành lập các đoàn kiểm tra đảm bảo an toàn công trình, thường xuyên tuần tra để kịp thời phát hiện các sự cố để đảm bảo công trình luôn vận hành ổn định và an toàn.

Trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xin hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương, các dự án tăng cường đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước do các tổ chức trong và ngoài nước tài trợ và các nguồn hợp pháp khác để từng bước hoàn thiện, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.


Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN