Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị sơ kết 1 năm xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông". (Ảnh: Trần Hải) 

Năm 2023, thực hiện chủ trương của Đảng ủy Công an Trung ương về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", UBND tỉnh đã khẩn trương tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị Quyết số 87, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 71 về xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", gồm 6 nhóm, 57 nhiệm vụ xuyên suốt, phân công cụ thể cho từng cấp, ngành, đến tận các Chi, Đảng bộ cơ sở, khu phố.

Nghị quyết ban hành với 5 mục tiêu chính là: (1) Thay đổi diện mạo tình hình trật tự an toàn giao thông; (2) Lấy con người làm trung tâm, là trọng tâm, là chủ thể, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản khi tham giao thông; (3) Khơi dậy niềm tự hào, hình thành đặc trưng "Văn hóa giao thông" của người Bắc Ninh; (4) Khắc phục triệt để các bất cập trong tổ chức giao thông, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, đào tạo lái xe, kiểm định phương tiện; (5) Ứng dụng triệt để công nghệ trong xử lý vi phạm giao thông. Trong đó, phải tạo chuyển biến trước hết từ hệ thống chính trị, lan tỏa đến các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tổ dân phố, thôn xóm, các dòng họ, tôn giáo và nhân dân.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải là chủ công, trong đó, lực lượng Công an là thường trực. Sau 2 ngày ban hành Nghị quyết, Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội nghị trực tiếp, kết hợp trực tuyến trên sóng Truyền hình tỉnh đến tận các chi đảng bộ, khu phố, thôn xóm, với 260 điểm cầu, 16.600 đại biểu và trên 300.000 người dân xem trực tiếp. Đồng thời, tổ chức thêm Hội nghị trực tuyến tới gần 1.000 điểm cầu là doanh nghiệp, công nhân, người lao động trong khu công nghiệp (đặc thù về nhóm tỷ lệ tai nạn giao thông cao ở Bắc Ninh, 70% người gây tai nạn và nạn nhân các vụ tai nạn giao thông là người tỉnh ngoài).

Qua 1 năm triển khai thực hiện, các mục tiêu cơ bản trong xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” đã hoàn thành (30 nhiệm vụ hoàn thành; 27 nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài), trong đó: an ninh trật tự được giữ vững. Cả hệ thống chính trị đã thực sự vào cuộc quyết liệt; cấp ủy, chính quyền, nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông chuyển biến rõ nét, bước đầu hình thành thói quen, văn hóa giao thông của người Bắc Ninh. Cán bộ, đảng viên, giáo viên đã thực hiện vai trò gương mẫu, đi đầu trong xây dựng "Tỉnh an toàn giao thông", tỷ lệ đảng viên vi phạm rất thấp (Đài truyền hình tỉnh hàng tuần chạy chữ thông báo đảng viên, cán bộ, công chức vi phạm). Tai nạn giao thông giảm sâu (giảm 16% số vụ, 20% số người chết, 19% người bị thương).

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường sắt, đường bộ (Bộ Công an) phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) 

Có thể nói, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, bước đầu làm thay đổi bộ mặt trật tự an toàn giao thông của tỉnh (một số bất cập về tổ chức giao thông tồn tại nhiều năm trước đây, khi có “Tỉnh an toàn giao thông” thì mới khắc phục được). Nghị quyết Tỉnh an toàn giao thông được Bí thư tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đánh giá là một trong những Nghị quyết triển khai thực chất, toàn diện, đi vào cuộc sống nhất từ trước tới nay.

Nổi bật là: tổ chức giao thông được rà soát kỹ lưỡng, các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông được xử lý 100%; lắp 100% gờ, gồ giảm tốc từ ngõ ra đường (lắp thêm 6.010 điểm). Có sự vào cuộc hỗ trợ của cả Bộ Giao thông vận tải và Cục đường bộ Việt Nam. Hạ tầng giao thông được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được quyết liệt đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành; một số bất cập tồn tại nhiều năm đã được khắc phục.

Trật tự công cộng được xử lý quyết liệt: Ngay thời gian đầu thực hiện Tỉnh an toàn giao thông, UBND tỉnh ban hành Công điện 1070 chỉ đạo hệ thống chính trị tổ chức Cao điểm đảm bảo trật tự công cộng, qua đó tạo bộ mặt đường phố, lòng đường, vỉa hè thông thoáng, an toàn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải) 

Công tác tuyên truyền đã bao trùm đầy đủ các nhóm đối tượng, từ cán bộ, đảng viên, đến cơ quan, doanh nghiệp, công nhân, người lao động, học sinh, sinh viên, dòng họ, tăng ni, phật tử, giáo dân... Trong đó, đã nhận diện và tập trung tuyên truyền đúng vào nhóm đối tượng có tỷ lệ tai nạn giao thông, vi phạm giao thông cao (công nhân, lao động ngoại tỉnh, lái xe...).

Đồng thời, đã ưu tiên các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đối với nhóm học sinh, sinh viên (bao gồm cả phụ huynh đưa đón) để hình thành văn hóa giao thông bền vững, lâu dài trong nhiều thế hệ (xây dựng bộ tài liệu an toàn giao thông dành cho phụ huynh hướng dẫn cho học sinh khi ở nhà). Điển hình là đã nghiên cứu, xây dựng mô hình “Nhà xe học sinh, sinh viên an toàn giao thông” (hướng tới nhóm học sinh, sinh viên tự đi xe đến trường, là nhóm nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong lứa tuổi học sinh).

Trong đó, tuyên truyền, quản lý, kiểm soát chặt chẽ điều kiện về phương tiện, độ tuổi, việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên ngay từ trong nhà xe của trường; mỗi xe đều được dán logo tên, lớp, trường để lực lượng chức năng dễ nhận diện. Cử cán bộ Công an phối hợp với chính quyền, nhà trường kiểm tra nhà xe trong trường và cả trước cổng trường, phát hiện nhiều xe vi phạm (không gương, không đủ tuổi, không đăng ký, không bằng lái, không mũ bảo hiểm).

UBND tỉnh ban hành 3 Quyết định làm định hướng, xương sống cho công tác truyền thông, tuyên truyền, đánh giá xếp loại thi đua: Quyết định 600 ban hành 18 quy tắc Văn hóa giao thông của người Bắc Ninh; Quyết định 216 ban hành 6 bộ tiêu chí về an toàn giao thông (xã, phường, thị trấn; cơ quan, đơn vị, nhà trường; khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; gia đình, dòng họ, cơ sở tôn giáo; doanh nghiệp...); Quyết định 217 ban hành tiêu chí đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong đánh giá, xếp loại thi đua, khen thưởng. Thực hiện việc gửi thông báo danh sách người vi phạm về cơ quan, đơn vị, nơi cư trú. Triển khai chuyển đổi trạng thái của lực lượng CSGT từ thủ công sang ứng dụng công nghệ: hiện đang vận hành thử nghiệm Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh, bao gồm cả số điện thoại 113, 114 kết nối với hệ thống camera toàn tỉnh.

Công tác tuần tra, xử lý vi phạm tăng cao so với trước khi thực hiện Tỉnh an toàn giao thông. Xử phạt 45.401 trường hợp, với số tiền 103,5 tỷ đồng (tăng 101% so với trước khi xây dựng Tỉnh an toàn giao thông). Riêng xử phạt nồng độ cồn 15.067 trường hợp (tăng 146%), xử phạt tốc độ 5.654 trường hợp, tăng hơn 5 lần. Trên địa bàn không có xe cơi nới thành thùng. Trấn áp mạnh đối với các đối tượng thanh thiếu niên lạng lách, đánh võng, các đối tượng tụ tập, tàng trữ, sử dụng dao kiếm, vũ khí thô sơ… gây rối trật tự công cộng (bắt 372 đối tượng).

UBND tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh liên tục triển khai các giải pháp khác nhau: mở đợt cao điểm tổng kiểm soát các phương tiện, yêu cầu Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an huyện và cấp phó phải trực tiếp trên tuyến (lịch do Ban giám đốc duyệt, các đồng chí Phó Giám đốc đi kiểm tra); tuần tra chéo địa bàn; đóng biển "Đã uống rượu bia, không lái xe" (hình tròn, in bằng meka) ở 100% nhà hàng, quán rượu, đến tận nhà văn hóa thôn; ngã ba, ngã tư; cổng làng, đầu ngõ tạo nét đặc trưng riêng có của Bắc Ninh.

Nhiều giải pháp Công an tỉnh Bắc Ninh triển khai được Bộ Công an ghi nhận, hiện đã nhân rộng trên cả nước, làm cơ sở để tham mưu văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đại diện các tập thể được vinh dự nhận Bằng khen của Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. (Ảnh: Trần Hải) 

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc này là ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo đảm an toàn giao thông, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, an dân. Việc lựa chọn tỉnh Bắc Ninh để xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” vì những yếu tố như dân cư không đông, diện tích không rộng, điều kiện có, có truyền thống văn hóa Kinh Bắc, ý thức người dân được nâng lên trong quá trình phát triển.

Thủ tướng nêu rõ, dù là công việc của một tỉnh nhưng lại là công tác thí điểm của một Bộ, coi tính mạng, an toàn của người dân là trên hết, trước hết. Việc này cần sơ kết, đánh giá, từ đó hoàn thiện các giải pháp để đạt mục tiêu đề ra.

Thủ tướng tin tưởng rằng, sau hội nghị này, chúng ta sẽ nâng cao được nhận thức về quản lý giao thông trong bối cảnh hiện nay, trong sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là chúng ta đang khích lệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong hoạt động giao thông nói riêng.

"Trước hết, chúng ta cần làm thí điểm, từ đó sơ kết, nhân rộng mô hình. Tinh thần chung là cách làm phải phù hợp tình hình, không cầu toàn, không nóng vội. Vấn đề là cách tổ chức như thế nào để đạt được mục tiêu, hiệu quả", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn giao thông là một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn xã hội và là vấn đề liên quan đến mọi người, mọi nhà. Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, xây dựng xã hội an toàn.

Năm 2023, tai nạn giao thông được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 về số vụ và số người chết. Trong 8 tháng đầu năm 2024, tai nạn giao thông tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2023, ùn tắc giao thông được kiểm soát tốt và giảm trên 65%; số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước; tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe, vi phạm về cơi nới thành, thùng xe đã được xử lý một cách căn bản. Các hành vi vi phạm giao thông được xử lý nghiêm minh, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cần thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vẫn còn nhiều thách thức; ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn còn lớn; tai nạn giao thông ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn là vấn đề nhức nhối (năm 2023 đã xảy ra 22.067 vụ tai nạn giao thông, làm chết 11.628 người, bị thương 15.292 người).

Thủ tướng khái lược các bài học kinh nghiệm sau: công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là vấn đề liên ngành, phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự quản lý của Nhà nước, sự hưởng ứng và vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân. Quá trình này phải luôn lấy người dân là trung tâm, chủ thể, mọi chính sách đều hướng đều người dân, phải hướng đến bảo đảm an toàn, an ninh cho người dân; người dân phải tham gia vào bảo đảm an toàn giao thông; người dân được hưởng thụ từ quá trình này với tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng”.

Phải có hệ thống giao thông ngày càng được nâng cấp, từng bước hiện đại. Quản lý phải thông minh, thuận lợi, ít huy động lực lượng Cảnh sát giao thông nhất, do đó phải xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nhất là giáo dục ý thức chấp hành luật lệ giao thông cho trẻ nhỏ. Mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” phải được triển khai với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa mở rộng dần trên cơ sở tôn trọng thực tiễn. Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, mọi người dân phải tôn trọng, thực hiện theo pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh, an toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi nhà. Do đó, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định “Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”; trong đó, an toàn giao thông là vấn đề quan trọng được toàn xã hội quan tâm và các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng đảm bảo.

Việc thí điểm xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, xã hội, trật tự an toàn giao thông, tâm lý xã hội; do đó việc xây dựng “Tỉnh an toàn giao thông” góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; thông qua đó giúp người dân tăng cường chấp hành luật lệ giao thông.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương phát huy những kết quả đạt được, tập trung triển khai hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm:

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu về an toàn giao thông để người dân làm theo; tăng cường hoàn thiện hệ thống pháp luật; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng về giao thông đường hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, đường biển, trong đó có ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, vừa giáo dục vừa tuyên truyền. Các cơ quan truyền thông phải hướng dẫn kỹ năng để người dân bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; nâng cao năng lực quản trị, tăng cường quản lý giao thông thông minh, tổ chức bộ máy phù hợp, tinh gọn, hiệu quả; nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.

Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, tỉnh Bắc Ninh sau hội nghị này cần cân nhắc phổ biến, nhân rộng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” bảo đảm có lộ trình, bước đi phù hợp, hiệu quả. Nếu từng tỉnh, từng thành phố bảo đảm an toàn giao thông thì cả nước an toàn giao thông. Công tác này phải được đầu tư trang thiết bị, phương tiện, ứng dụng khoa học công nghệ…, do đó quá trình này cần quan tâm việc quản lý nguồn lực, cân nhắc hình thức hợp tác, tăng cường chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm.

Thủ tướng mong rằng, sau hội nghị này, mô hình “Tỉnh an toàn giao thông” sẽ được hoàn thiện hơn, từ đó chúng ta đánh giá, tìm cách nhân rộng; đề nghị tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tổ chức tốt mô hình này để bảo đảm hiệu quả lâu dài, bền vững, đem lại lợi ích cho người dân, để người dân tự giác chấp hành.

* Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an tỉnh Bắc Ninh. Trung tâm do Tổng công ty Công nghệ-Viễn thông Toàn cầu (Gtel) - doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh của Bộ Công an, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an tỉnh Bắc Ninh, nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ, số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ của các lực lượng Công an tỉnh trên môi trường số. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số của Bộ Công an, góp phần xây dựng lực lượng Công an thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Theo nhandan.vn