Trung tâm thương mại AEON MALL đưa nhiều thương hiệu lớn về Huế |
Đưa thêm “bạn” đến Huế
Tháng 9 này, cùng với nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ, dự án Trung tâm thương mại AEON MALL cũng mở cửa đón khách. Đây được xem là điểm nhấn về thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Thừa Thiên Huế trong thời gian qua và cũng là dự án có tiến độ thi công nhanh chóng, thực hiện đúng các cam kết giữa nhà đầu tư và lãnh đạo địa phương. Cùng với việc đưa trung tâm thương mại này đi vào hoạt động, dự án này cũng đã đưa các nhãn hàng lớn của Nhật Bản và trên thế giới đến hoạt động kinh doanh trong khu trung tâm thương mại này, như: Siêu thị Aeon Việt Nam, Muji, Uniqlo...
Ngoài AEON MALL, trên địa bàn có rất nhiều DN Nhật Bản đang đầu tư vào Thừa Thiên Huế. Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, DN Nhật Bản đang đầu tư 19 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 233,5 triệu USD. Những DN này đã đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chỉ tính riêng năm 2023, doanh thu của các DN Nhật Bản đạt hơn 14 triệu USD, nộp ngân sách gần 6 triệu USD, giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Trong đó, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Huế là DN Nhật Bản đầu tiên đầu tư vào Huế năm 1997 và hoạt động khá thành công, xây dựng thương hiệu tốt trên thị trường; Công ty TNHH MSV giải quyết việc làm cho hơn 1.090 lao động; Công ty TNHH MTV Brycen đã hoạt động hiệu quả, sử dụng trên 360 nhân lực về công nghệ thông tin… Những công ty này không chỉ đóng góp vào ngân sách, giải quyết việc làm mà còn thúc đẩy hoạt động xuất, nhập khẩu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động DN.
Cùng với các dự án đang hoạt động hiệu quả, trên địa bàn một số dự án lớn của các DN Nhật Bản cũng đang triển khai xây dựng và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2024 như: Nhà máy Nakamoto Việt Nam; dự án Malpensa Plant Việt Nam, Nhà máy sản xuất keo, chất kết dính và sản phẩm làm từ nhựa Okura Industrial Co.,Ltd…
Thừa Thiên Huế cũng là điểm đến của một số tập đoàn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau như Carlsberg (Đan Mạch), Banyan Tree (Singapore), HBI (Hoa Kỳ), Scavi (Pháp), Luks ciment Hồng Kông (Trung Quốc), CP (Thái Lan), Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Baosteel (Trung Quốc), SBH (Tây Ban Nha), Kanglongda (Trung Quốc)…, với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của Thừa Thiên Huế trong bản đồ thu hút đầu tư trong nước và trên thế giới.
Tính đến nay, trên địa bàn có 132 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.558 triệu USD. Khu vực FDI đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của địa phương khi đóng góp 10% GRDP toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt trên 4.000 tỷ đồng/năm, chiếm 35% trong tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Riêng, Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam (Đan Mạch) đã đóng góp hơn 3.500 tỷ đồng/năm, chiếm hơn 85% trong tổng thu ngân sách của khu vực FDI.
Các doanh nghiệp FDI giải quyết việc làm rất lớn cho người lao động |
Cải thiện môi trường đầu tư
Xác định thu hút nguồn vốn FDI là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, Thừa Thiên Huế đang tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút các nhà đầu tư FDI đến đầu tư và kinh doanh tại địa phương.
Trong 8 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh đã cấp phép mới cho 32 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt 6.103 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án FDI với vốn đăng ký 35,6 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đầu tư thu hút dự kiến 5.292 tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số dự án tạo năng lực mới đi vào hoạt động: Dự án Kim Long Motors Huế (giai đoạn 1) công suất 3.500 chiếc/năm; nhà máy Kanglongda (giai đoạn 1), Nhà máy Scavi Huế 2,.... Các dự án hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Gilimex; khu công nghiệp Viglacera; hạ tầng Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây;... cũng được đẩy nhanh tiến độ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay, ngoài tập trung nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng, hệ thống giao thông kết nối, Thừa Thiên Huế cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư đến đầu tư và kinh doanh tại Huế, tạo dựng được hình ảnh về một Thừa Thiên Huế thân thiện và đồng hành.
Để thực hiện cam kết này, Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao, giữ gìn môi trường đầu tư minh bạch, công khai và thuận lợi nhất cho tất cả các nhà đầu tư. Trước đó nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế liên tục ghi danh vào danh sách top 10 những địa phương điều hành kinh tế xuất sắc và rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn cho DN. Việc thành lập và duy trì các tổ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN cũng thể hiện khá rõ cam kết này. Mới đây, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp trực thuộc UBND tỉnh cũng đã được thành lập, góp phần tích cực trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, khuyến công; tư vấn, hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh.
Ông Phan Quốc Sơn bày tỏ, Thừa Thiên Huế mong muốn, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư tại Thừa Thiên Huế sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, đưa thêm “bạn” đến Huế đầu tư.