Đông Nam Á sẽ cần khoảng 365 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu về xe điện trong khu vực vào năm 2030. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Trong số 1,3 nghìn tỷ USD này, sẽ cần khoảng 365 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu về xe điện tại khu vực Đông Nam Á; trong khi đó, Ấn Độ sẽ cần gần 900 tỷ USD.

Lượng vốn cần thiết để hỗ trợ nhu cầu khử carbon của lĩnh vực giao thông, đi lại vào năm 2030 tại các thị trường mới nổi này sẽ vượt xa các lĩnh vực khác.

Báo cáo nói trên ước tính, nhu cầu của lĩnh vực môi trường xây dựng và chuyển đổi năng lượng sẽ cần lần lượt là 1,2 nghìn tỷ USD và 400 tỷ USD, trong khi lĩnh vực thực phẩm sẽ cần 500 tỷ USD.

Trong khi châu Á hiện chiếm 42% lượng khí thải nhà kính của thế giới thì lĩnh vực giao thông, đi lại chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng khí thải.

Con số này thấp hơn nhiều so với các thị trường phát triển như khu vực châu Âu, nơi lượng khí thải từ phương tiện chiếm khoảng 25% tổng lượng khí thải của khu vực. Tại Mỹ, tỷ lệ này cao hơn, ở mức 30%.

Tuy nhiên, với mức thu nhập tăng nhanh ở các thị trường mới nổi ở châu Á, ước tính nhiều người tiêu dùng hơn, ngay cả trong số những người có thu nhập thấp, sẽ mua xe.

Trong năm tài chính mới nhất của Ấn Độ kết thúc vào tháng 3/2024, hơn 28 triệu xe đã được mua, đánh dấu mức tăng 12,5% so với năm trước đó.

Bên cạnh đó, đối với Indonesia, hơn 6 triệu xe máy đã được bán ra hồi năm ngoái, tăng 19,4%.

“Những xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục, với bằng chứng cho thấy người tiêu dùng thu nhập thấp có nhu cầu đi lại rất linh hoạt khi thu nhập của họ tăng lên”, báo cáo lưu ý. Do đó, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang xe điện ở khu vực châu Á mới nổi là rất quan trọng.

Dựa trên quỹ đạo của các chính sách hiện tại ở Ấn Độ và Đông Nam Á liên quan đến việc áp dụng xe điện, mức phát thải vào năm 2050 sẽ chỉ giảm khoảng 45%, so với kịch bản khi không có tiến bộ nào trong công nghệ xe điện. Tuy nhiên, điều này là không đủ để ngành này đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Cũng theo báo cáo nói trên, ngoài lợi ích đối với khí hậu, việc đầu tư vào thị trường xe điện ở khu vực châu Á mới nổi cũng có ý nghĩa về mặt thương mại.

Thứ nhất, các giải pháp công nghệ để khử carbon hoạt động đi lại ở quy mô lớn đã tồn tại, không giống như trong các lĩnh vực như nông nghiệp và môi trường xây dựng.

Chi phí trả trước của xe điện trên tất cả các phân khúc đã giảm mạnh nhờ sự cải thiện về công nghệ và việc mở rộng năng lực sản xuất.

Ngoài những cải tiến về công nghệ, các khoản trợ cấp và các hỗ trợ khác của chính phủ cũng đã giúp thúc đẩy việc áp dụng xe điện, với những chương trình ở Philippines, Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ thúc đẩy nhu cầu.

Tiếp đó, chi phí nhiên liệu hóa thạch cao cũng đã hỗ trợ xu hướng này, với giá điện vẫn tương đối ổn định ở nhiều thị trường mới nổi ngay cả khi giá xăng và dầu diesel tăng đột biến do xung đột toàn cầu và biến động tiền tệ liên quan đến lãi suất toàn cầu gia tăng.

“Khi các chính phủ trên khắp thế giới nhìn thấy lợi ích kinh tế của việc đầu tư vào năng lượng tái tạo được kết nối lưới điện so với chi phí cung cấp trợ cấp nhiên liệu hóa thạch đang diễn ra, thì cuộc cách mạng đi lại sử dụng điện có khả năng sẽ tiếp tục đà phát triển”, báo cáo của Temasek và LeapFrog Investments cho biết thêm.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)