Trang bị kỹ năng cần thiết cho lao động trúng tuyển trước khi xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài

Năm ngoái, Ra Va Lá, ở Hương Nguyên, A Lưới nối gót anh trai Ra Va Lục lên đường sang Nhật Bản làm việc. Qua kênh của Công ty Suleco - đơn vị dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ra Va Lá được giới thiệu đơn hàng, phỏng vấn đậu và được công ty trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản để sang Nhật làm nghề xây dựng. Chỉ sau mấy năm đi lao động ở nước ngoài, 2 anh em đã giúp gia đình thoát được hộ nghèo, giúp bố mẹ xây mới căn nhà 2 tầng khang trang. Em gái út nhờ có nguồn đài thọ từ 2 anh trai mà đang được theo học đại học ở TP. Huế.

Đại diện Công ty Suleco cho biết, từ khi thành lập chi nhánh hoạt động tại Thừa Thiên Huế đến nay, đơn vị đã đưa được hơn 600 lao động đi làm việc tại Nhật Bản theo hợp đồng. Trong đó, có hơn 100 lao động là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua nhu cầu đăng ký của người lao động, thời gian qua, Công ty TNHH Đầu tư Hợp tác Quốc tế Daystar phối hợp với các nghiệp đoàn và doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức nhiều đợt phỏng vấn, tuyển dụng và đã chọn được hơn 700 lao động trúng tuyển. Sau khi lao động trúng tuyển, công ty tổ chức đào tạo ngoại ngữ, giáo dục định hướng, tiến hành các thủ tục liên quan để đưa lao động xuất cảnh sang Nhật làm việc.

Ngoài qua kênh tuyển dụng từ các đơn hàng của các doanh nghiệp dịch vụ, hiện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang hướng dẫn người lao động đăng ký đưa lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS; làm việc tại Nhật Bản theo Chương trình EPA và IM Japan; tại CHLB Đức theo chương trình đưa hộ lý, điều dưỡng đi làm việc do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì.

Công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đang được các địa phương, các cấp, ngành, đơn vị quan tâm đẩy mạnh. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.730 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt gần 85% so với kế hoạch năm 2024. Lao động tập trung chủ yếu ở thị trường Nhật Bản, chiếm tỷ lệ gần 84%; Đài Loan (Trung Quốc) gần 12%; Hàn Quốc khoảng 2,2% và một số nước khác.

Việc hỗ trợ chi phí ban đầu cho các đối tượng chính sách khi đi làm việc ở nước ngoài đã được các địa phương quan tâm triển khai. Qua đó, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận và giải quyết chính sách hỗ trợ cho 263 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, với số tiền hơn 688 triệu đồng. Trong đó, có 9 trường hợp thuộc hộ cận nghèo và 9 trường hợp thuộc huyện nghèo, xã bãi ngang ven biển.

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho biết, các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ hỗ trợ người lao động từ giai đoạn trúng tuyển đơn hàng đến lúc xuất cảnh, mà còn theo sát người lao động trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Đối với những trường hợp khó khăn, không đủ điều kiện về tài chính, các doanh nghiệp đã hỗ trợ hồ sơ vay vốn cho người lao động theo chính sách của Trung ương và địa phương, cũng như giới thiệu, hướng dẫn đến người lao động các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh để người lao động tiếp cận kịp thời, thuận tiện.

Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH khẳng định, hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, cũng như kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động. Chủ trương này còn góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng đồng bào miền núi.

Bài, ảnh: Ánh Ngọc