Các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại |
“Mai mối”
Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố năm 2024 được Trung tâm tổ chức mới đây mang lại nhiều cảm xúc cho DN và cả của đơn vị tổ chức. Khi trong số 70 DN tham gia kết nối thì có đến 40 DN đã ký kết đưa sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng lớn như: Siêu thị Go, Co.opmart, sàn kinh tế hợp tác, hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi Auminimart, Công ty CP Đặc sản Kinh Đô; Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Quảng Điền.
Một số DN, nhất là DN nhỏ, siêu nhỏ cho rằng, việc đưa sản phẩm vào các kênh phân phối là một điều không dễ. Tuy nhiên, khi đã đưa được sản phẩm vào các kênh phân phối uy tín sẽ giúp các thương hiệu dễ dàng nhận diện hơn.
Theo bà Lê Thị Kim Hằng - Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue, việc đưa các sản phẩm vào các chuỗi cung ứng có ý nghĩa hết sức quan trọng với DN địa phương. Sự đồng hành của các nhà phân phối sẽ giúp các DN nhỏ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các đối thủ lớn trong và ngoài nước. DN có thể tận dụng mạng lưới khách hàng đối tác để gia tăng doanh số và quảng bá sản phẩm hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận.
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác với các nhà phân phối |
Trong số 40 DN ký kết thỏa thuận hợp tác lần này có thể kể tên như Mộc Truly Huế; SBC Hoàng Gia, Hue Farm… đã ký kết với Siêu thị Go; Sàn kinh tế hợp tác ký kết với HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bắc Tiến, Hue One Food… để cung ứng các sản phẩm.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Mộc Truly Hue’s cho hay, đơn vị ngày càng đầu tư chuẩn hóa hơn về quy trình, mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, thương hiệu Mộc Truly Hue’s đang được nhiều khách hàng tin dùng. Tuy nhiên, để "đi đường dài”, công ty cũng tham gia các hoạt động kết nối với các nhà phân phối. "Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, các sản phẩm của Mộc Truly Hue’s sẽ được lên kệ của nhiều đơn vị phân phối lớn, giúp những sản phẩm của Huế vươn xa hơn", ông Tuấn mong mỏi.
Đó là một trong những thành công bước đầu mà Trung tâm gặt hái được sau hoạt động Hội chợ thương mại Festival Huế năm 2024. Những hoạt động này đã góp phần giúp DN tiếp cận gần hơn với khách hàng.
Đổi mới
Theo quy định chức năng nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm, việc hỗ trợ, kết nối DN, HTX, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, siêu thị được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xúc tiến thương mại.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm cho hay, trong nhiệm vụ xúc tiến thương mại, Trung tâm sẽ tập trung nhiệm vụ đưa được sản phẩm của DN, các cơ sở kinh doanh địa phương vào được các siêu thị đóng trên địa bàn tỉnh như: Aeon Mall, siêu thị Go… và các chuỗi phân phối quy mô nhỏ và vừa trên toàn quốc, kể cả xuất khẩu.
Để hoạt động này đem lại hiệu quả, Trung tâm sẽ chú trọng đổi mới phương thức hoạt động theo hướng đồng hành và hỗ trợ thực chất cho DN, thực hiện các hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, đặc biệt là ưu tiên hỗ trợ DN công nghiệp nông thôn tiêu biểu, DN OCOP, các DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh. Qua đó, DN trên địa bàn tỉnh có thể tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tiêu thụ, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng hóa...
Bà Thảo cho biết, hiện nay Trung tâm đang đánh giá lại hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại những năm vừa qua. Theo đó, Trung tâm sẽ đề xuất UBND tỉnh tổ chức những chương trình, hoạt động hiệu quả hơn nữa trên nguyên tắc kế thừa những gì đã làm tốt, mạnh dạn bỏ các hoạt động còn hạn chế về kết quả, cũng như lắng nghe DN để điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ phù hợp. Trung tâm cũng sẽ nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các tỉnh, thành làm tốt công tác xúc tiến thương mại như Quảng Ninh và một số địa phương khác nhằm đưa ra những hướng đi tốt nhất trong công tác xúc tiến thương mại, đồng hành cùng DN, giúp DN ngày càng phát triển.