Người dân chờ tiêm vaccine tại Tunisia. Ảnh minh họa: THX/TTXVN

Tại một cuộc họp bàn tròn cấp cao ở New York (Mỹ), sự kiện được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tương lai của Liên hợp quốc (LHQ), nguồn tài trợ mới đã được ký kết; trong đó nhất trí, các đối tác sẽ ngồi lại và bắt đầu xác định nhu cầu và lập kế hoạch cải thiện chăm sóc sức khỏe tại 15 quốc gia. 

Được biết, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai mang tính bước ngoặt của LHQ diễn ra từ ngày 22 - 23/9 (giờ Mỹ), với chủ đề “Giải pháp đa phương vì một tương lai tốt đẹp hơn”.

Hội nghị bàn tròn có sự tham dự của 3 ngân hàng phát triển đa phương sáng lập nên quan hệ đối tác nói trên, bao gồm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB), WHO và các nguyên thủ quốc gia, cũng như các bộ trưởng tài chính và y tế đến từ Djibouti, Ai Cập và Ethiopia.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng tham dự cuộc họp cấp cao này, và công bố ý định tham gia Nền tảng đầu tư tác động y tế, hướng đến mở rộng sáng kiến sang các khu vực mà ngân hàng này hoạt động.

Được biết, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và WHO đã ký khoản đóng góp ban đầu là 10 triệu euro để khởi động việc triển khai các kế hoạch đầu tư. Ngân hàng Phát triển Hồi giáo (IDB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đang hoàn thiện các khoản đóng góp với số tiền tương tự, và sẽ được ký kết trong tương lai gần.

Đáng chú ý, nền tảng này là một phần quan trọng trong nỗ lực mở khóa 1,5 tỷ euro vay ưu đãi và tài trợ để mở rộng và cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ở những quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở những cộng đồng dễ bị tổn thương nhất. Các kế hoạch đầu tư hiện đang được phát triển tại 15 quốc gia, được xác định là một phần trong giai đoạn 1, dự kiến sẽ chiếm một tỷ lệ đáng kể trong nỗ lực tài trợ đó. 15 quốc gia bao gồm: Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Comoros, Djibouti, Ai Cập, Ethiopia, Gambia, Guinea Bissau, Jordan, Maldives, Morocco, Senegal, Nam Sudan, Tunisia, và Zambia.

Nền tảng này hướng đến mục tiêu hợp tác chặt chẽ với các chính phủ để xây dựng các chiến lược y tế quốc gia, tập trung vào chăm sóc sức khỏe ban đầu, và ưu tiên các cơ hội đầu tư đáp ứng nhu cầu y tế quốc gia.

Ông Ibrahima Sy, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Senegal cho biết: “Điều quan trọng là phải đưa khu vực tư nhân, các cộng đồng địa phương và các hình thức tài trợ khác nhau vào để thúc đẩy tiến bộ y tế. Sự tham gia của WHO, các ngân hàng phát triển đa phương và các quốc gia là rất quan trọng để định hướng các khoản đầu tư từ nền tảng này, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tại chỗ và phát triển năng lực sản xuất vaccine tại địa phương”.

Về phần mình, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nhận định: “Chăm sóc sức khỏe ban đầu là cách công bằng nhất, tiết kiệm chi phí nhất và toàn diện nhất để cải thiện sức khỏe và hạnh phúc, giúp mọi người luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa bệnh tật và phát hiện các đợt bùng phát ở giai đoạn sớm nhất”.

“Nền tảng đầu tư này sẽ là nguồn tài chính mới quan trọng để xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu linh hoạt với khí hậu và khủng hoảng tại một số quốc gia cần dịch vụ này nhất. WHO cảm ơn các ngân hàng phát triển đa phương vì sự hợp tác của họ, và cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia để đưa những khoản tài trợ này vào hoạt động và bắt đầu tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói thêm.

Trước đại dịch COVID-19, WHO ước tính, để đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp cần tăng đáng kể chi tiêu cho y tế, và cần thêm tổng cộng 371 tỷ USD hàng năm vào năm 2030. Nguồn tài trợ này sẽ cho phép người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế, đóng góp vào việc xây dựng các cơ sở mới, cũng như đào tạo và bố trí nhân viên y tế đến những nơi họ cần đến. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai ước tính sẽ cần đầu tư khoảng 31,1 tỷ USD hàng năm. Khoảng 1/3 trong tổng số đó sẽ phải đến từ nguồn tài chính quốc tế.

THANH NGÂN (Lược dịch từ WHO)