Nhà thầu đang thi công tường chắn của đơn nguyên bên trái cầu vượt đường tại khu vực đầu tuyến |
Tăng tốc về đích
Ở trung tâm Phong Điền bây giờ muốn về các xã khu vực ven biển như Điền Hòa, Điền Hải, Phong Hải theo tuyến Phong Điền - Điền Lộc chỉ mất chừng 30 phút, thay vì trước đây phải mất gấp đôi thời gian ấy khi ra Mỹ Chánh (Quảng Trị) theo QL 49B, hay theo Tỉnh lộ 6 qua cầu Hòa Xuân (Phong Chương) xuôi về.
Mới đây theo chuyến khảo sát tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc, chúng tôi cảm nhận rõ một “đại lộ” thênh thang, thông suốt băng qua những rừng keo tràm, trảng cát ở xã Phong Chương và những ô ruộng (Điền Lộc) xuôi về hướng biển, dù có nhiều đoạn chưa hoàn tất đang đắp đất, lu lèn nền đường ở khu vực cuối tuyến.
Anh Nguyễn Văn Phong (thôn Nhất Phong, xã Phong Chương) chia sẻ, từ khi có tuyến Phong Điền - Điền Lộc, từ nhà anh lên KCN Phong Điền làm việc chỉ mất chưa đến 10 phút. Trước đây, anh đi theo Tỉnh lộ 6 phải mất gần nửa giờ đồng hồ. Giao thông thuận lợi không chỉ rút ngắn khoảng cách, thời gian mà còn tạo cơ hội cho người dân trong vùng giao thương, buôn bán dễ dàng hơn…
Khởi động từ năm 2012, do nhiều yếu tố khách quan nên phải đến năm 2018, tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc mới triển khai. Theo thiết kế, “đại lộ” này có chiều dài hơn 16,2km, điểm đầu giao với QL1A đoạn qua thị trấn Phong Điền và điểm cuối đến bãi biển xã Điền Lộc (Phong Điền). Ngoài tuyến chính, công trình có thêm các hạng mục làm cầu dân sinh, cầu vượt đường sắt, nút giao… Thời gian thi công vừa qua do biến động về vật giá nên đầu năm 2024, HĐND tỉnh đã quyết nghị điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư thêm 100 tỷ đồng. Mục đích tăng thêm vốn dịp này nhằm hỗ trợ tái định cư, bổ sung các hạng mục lề đường, dãy phân cách, cây xanh liên quan…
Ông Trần Phương Minh, đại diện Công ty CP Thành Đạt (đơn vị thi công) thông tin, hiện khối lượng công trình còn lại khoảng 30%. Các nhà thầu đang tăng tốc hoàn thiện, như tập trung làm đường dẫn lên cầu vượt đường sắt nằm ở đầu tuyến, thuộc thị trấn Phong Điền. Hạng mục này khá phức tạp mà từ đầu năm 2024, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công đơn nguyên cầu vượt đường sắt bên phải. Hiện đơn nguyên này đã hoàn thiện và đang tiếp tục thi công đơn nguyên cầu vượt đường sắt bên trái tuyến đường và xin phép xóa gác chắn đường sắt để thi công có 2 trụ cầu nằm ngay rào chắn đường sắt... Bên cạnh đó, khoảng 3,5km ở khu vực cuối tuyến qua địa bàn xã Điền Lộc đang gấp rút đắp đất, lu lèn nền để thảm nhựa và đổ bê tông theo hình thức cuốn chiếu. Với điều kiện thời tiết hiện nay, dự kiến toàn bộ tuyến sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.
Đơn nguyên bên phải cầu vượt đường sắt tại khu vực đầu tuyến hiện đã hoàn thiện |
Kết nối
Từ ngày tuyến Phong Điền - Điền Lộc hiện rõ hình hài, người dân địa phương nhận định đây là tuyến đường ước mơ của bao năm qua đã thành hiện thực, là tuyến đường có quy mô lớn nhất ở địa phương.
Nhiều lần ra công tác nơi đây, chúng tôi cũng cảm nhận rõ ý nghĩa quan trọng của tuyến đường Phong Điền - Điền Lộc. Hiện nay, tuyến đường đã trở thành trục “xương sống” khép kín hệ thống giao thông liên vùng nối từ núi đến đồng bằng và đồng bằng về biển ở khu vực cửa ngõ phía bắc tỉnh nhà. Tại điểm đầu tuyến kết nối qua ngã tư QL1A và Tỉnh lộ 9 nối với cao tốc Cam Lộ - La Sơn. Từ nút giao này cho thấy sự hiện đại, quy mô, rộng thoáng của tuyến Phong Điền - Điền Lộc sẽ nâng tầm đô thị Phong Điền, mở rộng không gian đô thị đến KCN Phong Điền; đồng thời, hướng lên phía tây vùng đồi và phía đông vùng biển (cụm Ngũ Điền); kết nối với các đường chính ở các xã, phường ven đô thị trung tâm. Tại mỗi điểm kết nối với “đại lộ” này đã tạo ra những diện mạo mới, nhà cửa, quán sá đã hình thành, khang trang, mang dáng phố cho Phong Điền.
Cũng tạo thêm cơ hội mang tính chiến lược cho Phong Điền từ “đại lộ” này, theo quy hoạch, sắp đến cảng biển Điền Lộc sẽ được xây dựng để tiếp nhận các tàu thủy lớn chở hàng hóa; KCN Phong Điền mở rộng thu hút đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa công - nông nghiệp; các xã vùng đồi, như Phong Sơn, Phong Xuân… Ngoài quy hoạch phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng, di tích lịch sử…
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh (Chủ đầu tư công trình) cho rằng, khi thiết kế cũng như thi công tuyến Phong Điền - Điền Lộc, các đơn vị đã tuân thủ quy hoạch hai bên tuyến, khớp nối với các công trình, dự án đã, đang xây dựng ở địa phương; tạo lợi thế phát triển quỹ đất hai bên tuyến nhằm thu hút đầu tư phát triển KT-XH ở địa phương.
Theo lãnh đạo Phong Điền, “đại lộ” Phong Điền - Điền Lộc cũng là một trong những đáp án cho kết quả thực hiện xây dựng khu vực phía bắc tỉnh nhà trở thành thị xã, đô thị loại IV, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị…