Các loại vật liệu làm phụ kiện đa dạng màu sắc, kích thước, mẫu mã |
Trở về nhà sau khi tham gia một workshop làm phụ kiện, trang sức bằng cách kết hạt trang trí, Phan Thị Anh Thư, sinh viên Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế vui vẻ đem những chiếc vòng tay, vòng cổ khoe với mọi người. Đây là thành quả sau hơn 2 tiếng đồng hồ tự tay thực hiện theo sự hướng dẫn của các bạn nhân viên tại workshop “Kết” đến từ tiệm phụ kiện Nhà Xê.
“Mình vốn khá vụng về và không nghĩ rằng chính bản thân mình có thể tự làm nên những sản phẩm trang sức từ hạt đẹp thế này. Đến bây giờ mình vẫn còn cảm thấy rất vui và tự hào với thành quả này. Với số tiền 90 nghìn đồng vừa bằng giá bán 2 sản phẩm vòng trên thị trường thì giờ đây mình vừa được trải nghiệm làm vòng thủ công, vừa có sản phẩm mang về. Vòng cổ này mình sẽ đeo hàng ngày, còn vòng tay sẽ dành tặng cho em gái mình”, Anh Thư hào hứng.
Tự làm đồ handmade hay còn gọi là DIY (do it yourself – tự mình làm) không còn quá xa lạ với nhiều bạn trẻ. Thuật ngữ ngày chỉ những hoạt động thiết kế, sáng tạo dựa vào sự khéo léo của bản thân để tạo nên những sản phẩm mang màu sắc riêng biệt. Làm vòng tay handmade hay vòng DIY cũng là một trong những hoạt động sáng tạo đó. Với những nguyên liệu dễ kiếm như những hạt cườm, hạt pha lê, các loại hạt trang trí, kết hợp với các loại dây cước, dây chỉ, dây chống thấm nước, các bạn trẻ có thể thỏa sức làm nên những món trang sức, những phụ kiện xinh xắn, bắt mắt “có một không hai”. Điểm mấu chốt khiến hoạt động này có sức lan tỏa rất lớn trong cộng đồng những người yêu thích phụ kiện là bởi tính cá nhân hóa. Trong thị trường có hàng loạt sản phẩm vòng tay, móc khóa, vòng cổ... giống nhau, ai cũng mong muốn tự tay tạo cho mình một sản phẩm “không đụng hàng”.
Tuy nhiên hiện nay, các workshop mở ra để tổ chức hoạt động này tại thành phố Huế vẫn chưa nhiều, đặc biệt là các workshop làm phụ kiện từ kết hạt. Vì vậy, đã có rất nhiều bạn trẻ là học sinh, sinh viên đăng ký tham gia khi workshop “Kết” của bạn Trần Gia Cát Châu, chủ tiệm Nhà Xê khi vừa mở link đăng ký. Chia sẻ về những ngày đầu chuẩn bị workshop, Cát Châu bộc bạch: “Đây là workshop đầu tay của mình và mình thật sự rất bất ngờ khi chỉ trong vòng 1 tuần mở đơn đã có hơn 100 bạn đăng ký tham gia, chia đều cho 3 ngày diễn ra sự kiện. Điều này cho thấy ở Huế có rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến hoạt động này. Chính vì vậy, nhóm chúng mình đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu phong phú đa dạng đến kỹ năng hướng dẫn để các bạn khách có thể thỏa sức sáng tạo nhiều ý tưởng tạo ra những sản phẩm độc đáo”.
Tuy chưa bao giờ tìm hiểu về cách thức làm nên phụ kiện handmade từ hạt, nhưng sau khi tham gia workshop, Nguyễn Phúc Tâm, học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học đã thành thạo làm ra một chiếc dây đeo điện thoại rất đẹp mắt với gam màu xanh dương. “Mới bắt đầu mình cũng khá bối rối, bởi có quá nhiều sự lựa chọn về các loại hạt. Mỗi loại lại có những đặc điểm riêng về mẫu mã, kích thước, chất liệu và màu sắc. Sau đó mình được các bạn nhân viên tư vấn tận tình, chọn ra gam màu chủ đạo cũng như chủ đề của sản phẩm. Cuối cùng mình quyết định chọn màu xanh dương kết hợp màu trắng và sử dụng những hạt tròn pha lê, hạt hình vỏ sò, sao biển cùng hạt charm bạc để tạo nên một chiếc dây đeo điện thoại với chủ đề là đại dương. Sau khi xong bước chọn hạt, mình bắt tay vào xỏ hạt và cuối cùng là gắn khóa lại. Thì ra cũng rất đơn giản chứ không khó như mình tưởng tượng”, Phúc Tâm chia sẻ.
Những buổi workshop như thế này không chỉ là nơi để các bạn trẻ thỏa sức sáng tạo làm nên các sản phẩm độc đáo từ hạt mà còn là nơi để mọi người khám phá khả năng của bản thân, học hỏi lẫn nhau cũng như kết nối với mọi người xung quanh, cùng nhau lan tỏa niềm đam mê với phụ kiện và đồ trang sức handmade. Đến để “kết hạt”, để rồi có sự “kết nối” và cuối cùng là “kết bạn”, đó cũng là ý nghĩa mà workshop “Kết” hướng tới”, Cát Châu cho biết.