Trồng rừng bản địa đa loài

Sau khi thu hoạch các diện tích rừng, các chủ rừng, hộ trồng rừng cá nhân đều phải trồng mới để đảm bảo thu hoạch đúng chu kỳ theo quy định nhằm không lãng phí tài nguyên đất lâm nghiệp. Để sản phẩm đảm bảo chất lượng, thu hoạch đúng với chu kỳ sinh trưởng thì điều tiên quyết là cây giống lâm nghiệp phải đảm bảo chất lượng. Lâu nay, tình trạng người dân mua giống trôi nổi, chất lượng thấp, giá rẻ vẫn còn khá phổ biến khiến chất lượng rừng cây không cao. Khi nguồn giống kém chất lượng, với trồng RGL thì chất lượng sản phẩm khó đảm bảo theo quy định, yêu cầu của các doanh nghiệp thu mua và chế biến gỗ rừng trồng.

Ông Hồ Đa Thê ở Bến Ván, xã Lộc Bổn (Phú Lộc) cho rằng, theo cảm nhận bằng mắt thường của người dân thì khó có thể nhận biết được chất lượng cây giống lâm nghiệp. Vì vậy, việc mua giống trôi nổi trên thị trường, giá rẻ sẽ rất khó đảm bảo cho quá trình sinh trưởng, chất lượng rừng cây cũng như sản phẩm sau thu hoạch. Điều này đặt ra yêu cầu cho cơ quan chức năng cần có sự kiểm tra, giám sát nguồn giống trên thị trường để loại bỏ cây giống lâm nghiệp kém chất lượng. Hơn ai hết, người dân nên mua giống tại các đơn vị sản xuất, cung ứng giống có uy tín, nguồn gốc, chất lượng đảm bảo được ngành lâm nghiệp xác nhận.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Nguyễn Hữu Huy thông tin, từ đầu năm nay, ngành lâm nghiệp tham mưu các cấp, ban ngành chức năng xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và đơn giá cây giống lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đã tổ chức thẩm định và công nhận 11 nguồn giống cây trồng lâm nghiệp có chất lượng phục vụ sản xuất cho các tổ chức, cá nhân. Các đơn vị sản xuất đã gieo ươm được khoảng 9,5 triệu cây giống các loại phục vụ kế hoạch trồng rừng trong năm và đề án trồng một tỷ cây xanh.

Để nguồn giống đảm bảo chất lượng cho hoạt động trồng rừng sản xuất, RGL cũng như rừng bản địa, phòng hộ... ngành lâm nghiệp đã tham mưu hủy bỏ các quyết định công nhận nguồn giống cây trồng lâm nghiệp đã hết hạn và bị thoái hóa, suy giảm về năng suất, không đáp ứng các yêu cầu theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp để hướng dẫn triển khai công tác giống theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Mục tiêu đến năm 2025, số lượng giống chất lượng được sản xuất phải đạt 25 triệu cây, trong đó các loài keo phục vụ trồng rừng kinh tế đạt 20 triệu cây, còn lại là cây bản địa, phi lao, thông… Đặc biệt, các loại giống cây lâm nghiệp được ngành nông nghiệp kiểm soát chất lượng trên 90%, không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn đạt sinh khối rừng trồng tăng trưởng mỗi năm 20-25m3/ha.

Vườn giống lâm nghiệp đạt chất lượng 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã trồng được khoảng 3.500/6.200ha theo kế hoạch năm 2024. Trong đó, chủ yếu là rừng sản xuất được trồng lại sau khi khai thác, còn lại trồng rừng phòng hộ đặc dụng khoảng 13ha và trồng được khoảng 520 ngàn cây phân tán. Hoạt động quản lý, trồng cây dược liệu dưới tán rừng tiếp tục duy trì 315,35ha.

Đến nay, tổng diện tích trồng sản xuất RGL trên địa bàn tỉnh hơn 12.311ha. Trong đó, diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn và chuyển hóa gỗ nhỏ sang gỗ lớn các loài keo là 11.528ha; diện tích rừng trồng sản xuất các loài cây bản địa khoảng 783ha. Đầu năm đến nay, các ban ngành chức năng đã đánh giá và cấp chứng chỉ rừng FSC cho hơn 405ha rừng trồng gỗ lớn của một số đơn vị chủ rừng, nâng tổng diện tích được cấp chứng chỉ rừng FSC đến nay toàn tỉnh lên gần 12 ngàn ha (trong đó có 943ha rừng tự nhiên).

Từ nguồn giống chất lượng, ngành lâm nghiệp triển khai trồng RGL gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Tính riêng sáu tháng đầu năm nay, có 811 hộ gia đình và hợp tác xã đăng ký tham gia trồng rừng sản xuất gỗ lớn năm 2024, với tổng diện tích 1.698 ha/1.500ha kế hoạch. Dự kiến, thời gian đến, diện tích và số hộ tham gia trồng RGL, chứng chỉ FSC sẽ tiếp tục tăng thêm.

Theo ông Nguyễn Hữu Huy, năm 2024, ngành lâm nghiệp đã tham mưu tỉnh cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 17 dự án với diện tích 135,88ha rừng trồng và chủ trương chuyển loại rừng của Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Tiền Phong với diện tích 67,49ha từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Ngành lâm nghiệp cũng tham mưu khai thác 2.877,6ha rừng trồng, trong đó các đơn vị chủ rừng Nhà nước khai thác chính 319,3ha, khai thác tận dụng 8,06ha và tận thu 4.877 cây thông nhựa để trồng mới.
Bài, ảnh: Hoàng Thế