Tỉ mỉ tô màu cho tranh thạch cao |
Những đường vân
Vừa trò chuyện với chúng tôi, Công vừa bày biện các nguyên, vật liệu để làm tranh thạch cao thực vật lên chiếc bàn nhỏ. Ngoài chất liệu không thể thiếu là thạch cao, anh còn đặt lên bàn những hộp khung, đất sét, màu acrylic, cọ vẽ và những chiếc lá, hoa quả tươi.
Anh cho biết: “Ý tưởng để những bức tranh thạch cao xuất hiện khi mình xem được một clip ngắn trên mạng xã hội facebook. Trong clip, người thực hiện đã “in” một cây củ cải đỏ lên đất sét, từ đó tạo nên hình thù và hoa văn rất đẹp. Thế là mình nghĩ xung quanh mình, thiên nhiên kỳ diệu đã sinh ra những nét đặc trưng riêng cho mỗi loài thực vật. Như những chiếc lá thì có gân lá, quả na thì có từng đường rãnh, quả khế, quả chuối, quả ổi thì có những hình dáng riêng biệt. Thế là mình bắt đầu tìm hiểu, mày mò và làm tranh để biến những hình thù, góc cạnh hay đường vân riêng biệt ấy thành bức tranh thạch cao tự nhiên, chân thực và sống động”.
Tranh thạch cao hoa quả như thật |
Dù bận rộn với công việc chính, mỗi lúc rỗi rãi, chàng trai 9X lại lên mạng tìm tòi các nguyên, vật liệu phù hợp, học cách pha màu, phối màu để làm tranh. Là tay ngang, thế nhưng với niềm đam mê không ngừng, Mai Công đã thử nghiệm nhiều cách làm khác nhau để tranh có hiệu ứng thị giác sống động nhất. Cuối cùng, sau nhiều lần tập tành, anh quyết định vận dụng các đặc tính của đất sét tự khô và thạch cao. Thành công trong việc tạo nên những bức tranh thạch cao thực vật đẹp mắt cũng bắt đầu từ đó.
Anh chia sẻ: “Vì đặc tính lâu khô hơn thạch cao nên mình đã sử dụng đất sét để làm “nền” cho tranh. Sau khi dùng tay và cán lăn để ấn hoa, lá, trái cây lên đất sét, mình sẽ để khô tầm 1- 2 tiếng tùy nhiệt độ ngoài trời. Chờ đến khi đất sét se bề mặt và có độ khô nhất định, mình sẽ pha trộn thạch cao với nước theo tỷ lệ vừa đủ. Sau đó, thạch cao sẽ được đổ vào khuôn đất sét đã in sẵn hoa lá, quả. Tiếp tục chờ thêm tầm một tiếng, tranh thạch cao thực vật phần thô đã hoàn thiện”.
Hy vọng được nhiều người biết đến
Những loại hoa, lá, quả mà Mai Công lựa chọn vô cùng gần gũi. Tiêu chí để có một bức tranh thạch cao với họa tiết rõ ràng là chọn những chiếc lá có đường vân nổi và rõ như lá ổi, lá bàng, lá mai, lá xoài. Các loại trái cây với hình dáng đặc trưng như mướp đắng, cà tím, khế, chuối, các loại hoa có cánh dày cũng là lựa chọn phù hợp.
“Những đường vân và hình dáng của các loại lá, hoa quả này rất đặc trưng. Sau khi thành tranh, dù là góc cạnh của quả khế, những đường vân tinh tế của lá ổi hay hình dáng đặc trưng của quả mướp đắng, quả chuối đều được lớp thạch cao thể hiện vô cùng chân thực”, anh nói.
Nhờ lâu khô và mềm dẻo hơn, đất sét dễ dàng được lấy ra khỏi khuôn, để lộ bề mặt tranh thạch cao nổi lên hình lá, hoa quả. Dùng cọ và kim gạt bỏ phần thạch cao thừa trên bề mặt, chờ khô thêm 1 ngày là bức tranh đã sẵn sàng để tô màu. Mai Công cho biết thêm: “Đặc tính của thạch cao là thấm hút tốt, vì thế ngoài phối màu, khi tô còn cần phải cẩn thận và tiết chế để tránh lem màu và thể hiện được độ nông sâu cần thiết của tranh. Có như thế, hiệu ứng chân thực, sống động của bức tranh mới được thể hiện rõ”.
Là người yêu thích các sản phẩm thủ công, khi nhìn thấy những bức tranh thạch cao với sắc màu từ thiên nhiên và hình dáng mới lạ của Mai Công, chị Minh Hằng (TP. Huế) cho biết: “Với mình đây là loại tranh rất mới mẻ. Sự gần gũi, chân thực của tranh làm mình cảm thấy tươi tắn, dễ thương. Bởi thế mình đã đặt mua một bức tranh nhỏ, xinh xắn để trưng ở góc làm việc”.
Chia sẻ thêm về loại tranh mới mẻ này, Mai Công nói: “Hiện tại, nguyên, vật liệu để làm tranh thạch cao thực vật rất dễ tìm. Tuy nhiên do bận rộn nên đa phần các bức tranh đều được mình tranh thủ làm để trưng bày trong nhà, làm đồ trang trí và tặng người thân, bạn bè. Trong thời gian tới, cùng với việc nâng cao chất lượng tranh, mình dự định lập trang fanpage để giới thiệu sản phẩm, hy vọng sẽ có thêm nhiều người biết đến loại tranh này”.