Cùng nhau duy trì an ninh để đạt được mục tiêu về hòa bình và thịnh vượng chung. Ảnh minh họa: Báo Công thương/Trang Thông tin Đối ngoại

An ninh chuỗi cung ứng đang bị đe dọa

Trong những năm gần đây, nhiều cú sốc khác nhau, bao gồm gián đoạn sản xuất liên quan đến đại dịch ở nước ngoài, gián đoạn các tuyến vận tải biển do cướp biển hoặc thời tiết khắc nghiệt, cũng như các lệnh trừng phạt…, đã dẫn đến tình trạng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Những điều này đã tác động lâu dài đến sản xuất công nghiệp và một phần cũng gây ra tình trạng giá cả tăng cao hơn. Căng thẳng địa chính trị gia tăng và rủi ro khí hậu cao hơn khiến những gián đoạn như vậy có khả năng xảy ra nhiều hơn.

Vừa qua, một sự cố gây sốc ở Lebanon đã gây ra mối lo ngại rộng rãi. Vụ nổ thiết bị liên lạc dân sự khiến hàng chục người tử vong và hàng ngàn người bị thương đã làm xuất hiện những lo ngại sâu sắc về an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc trong trật tự quốc tế ở thời điểm hiện tại.

Trong sự cố này, các máy nhắn tin sử dụng hàng ngày đã biến thành vũ khí chết người, một cảnh tượng có vẻ giống như trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng lại diễn ra ngay trước mắt chúng ta, ngay trong thực tế.

Điều này buộc chính phủ Lebanon nói riêng và toàn thế giới nói chung phải suy ngẫm: Trong một thế giới có sự kết nối cao, làm thế nào để chúng ta có thể đảm bảo an ninh cho chuỗi cung ứng toàn cầu? Chúng ta cần loại khái niệm về an ninh nào?

Đảm bảo an ninh chung để thịnh vượng chung

Xét về quy mô, mức độ an toàn và ổn định của một doanh nghiệp phụ thuộc vào điểm yếu nhất trong chuỗi cung ứng. Nếu một phần nào đó trong chuỗi cung ứng không hoạt động tốt, ảnh hưởng tiêu cực có thể nhìn thấy ở toàn bộ doanh nghiệp. Với nguy cơ tấn công vào chuỗi cung ứng ngày càng tăng, an ninh chuỗi cung ứng đang trở thành vấn đề cấp bách đối với các công ty. Theo một nghiên cứu, 45% tổ chức trên toàn thế giới được dự đoán sẽ là nạn nhân tiềm tàng của các cuộc tấn công chuỗi cung ứng phần mềm vào năm 2025, tăng gấp 3 lần so với năm 2021.

Theo nhận định của các chuyên gia, các khái niệm an ninh truyền thống, cũng như khái niệm an ninh tuyệt đối hiện đã không còn có thể đáp ứng được nhu cầu đương đại. Trên thực tế, chúng đã trở thành động lực chính gây ra tình trạng bất ổn toàn cầu, bao gồm cả sự bất ổn trong các chuỗi công nghiệp.

Được biết, chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên tích hợp cao độ và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia đang ngày càng chặt chẽ. Các vấn đề ở bất kỳ bộ phận nào của chuỗi cung ứng đều có thể ảnh hưởng đến an ninh của toàn bộ hệ thống.

Nhìn từ vấn đề ở Lebanon, những nhận định phiến diện về an ninh đã và đang làm gia tăng sự bất ổn và phân mảnh của chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở việc thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, xung đột khu vực và bất bình đẳng về thu nhập.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi an ninh chuỗi cung ứng phụ thuộc vào sự hợp tác. Chỉ có hợp tác, chúng ta mới có thể xây dựng được chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định hơn.

Để giải quyết vấn đề này, các quốc gia nên tăng cường giao tiếp và hợp tác thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc để cùng nhau giải quyết mối đe dọa an ninh mới này. Nhìn chung, các nước cần một nền tảng quản lý liên quan đến nhiều quốc gia và công ty để cải thiện tiến trình theo dõi và giám sát các thành phần và thiết bị quan trọng. Điều này đòi hỏi các phương tiện kỹ thuật, cũng như sự tin tưởng và hợp tác từ tất cả các bên.

Nhiều mối đe dọa an ninh bắt nguồn từ các cuộc xung đột khu vực. Chính phủ các nước cần giảm bớt căng thẳng thông qua các kênh ngoại giao để giảm nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công.

Thay vì xây dựng an ninh dựa trên sự bất an của các quốc gia khác, an ninh phù hợp sẽ đảm bảo tất cả các quốc gia đều an toàn như nhau. Trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay, để bất kỳ quốc gia nào đảm bảo an ninh của chính mình, chính phủ cũng phải quan tâm đến an ninh của các nước khác.

“Khái niệm an ninh chung” do Trung Quốc đề xuất được giới chuyên gia cho rằng là xứng đáng được cộng đồng quốc tế xem xét nghiêm túc. Nó nhấn mạnh rằng an ninh là không thể chia cắt và từ an ninh của chuỗi cung ứng nói riêng, đến an ninh toàn diện của quốc gia này nói chung không nên gây tổn hại đến an ninh của quốc gia khác. Chỉ bằng cách cùng nhau duy trì an ninh, chúng ta mới có thể đạt được mục tiêu về hòa bình lâu dài và thịnh vượng chung.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Global Times, Infosys BPM & Intereconomics)