Giữa bao nhiêu hình ảnh tang thương về trận bão lũ lớn vừa xảy ra ở các tỉnh phía Bắc, bức ảnh một em bé ngồi thẫn thờ bên chồng sách vở bị ngâm nước lụt khiến tôi không khỏi chạnh lòng thương. Với trẻ em, sách vở là vô cùng quan trọng trong việc học.

 

Ai đã trải qua mới hiểu, sách vở bị ướt là một nỗi buồn khủng khiếp.

Tôi từng có lần ngồi thẫn thờ như thế trước chiếc cặp đựng sách vở “chạy lụt” bị nước ngấm ướt tèm nhem. Hồi ấy, sách vở quý lắm, một cuốn vở hai đầu ghi hai môn học, sách thì mượn của nhà trường. Rõ ràng tôi đã cất chiếc cặp trên nóc tủ thế mà làm sao chiếc cặp rơi xuống nước. Tất cả sách vở trong đó ngâm nước lụt cả đêm. Nhìn chiếc cặp căng phồng sách vở đầy vết bùn nhão, tôi khóc òa. Vừa sợ hư sách của nhà trường, vừa sợ không có vở ghi bài, tôi khóc cho đến khi ngủ thiếp đi bên chiếc cặp.

Huế là xứ mưa lụt. Hồi ấy sao mà nhiều lụt lắm, một năm ít cũng vài ba trận, nhiều thì đến mười trận cả lớn, cả nhỏ. Sau mỗi trận lụt, đi đâu cũng dễ bắt gặp cảnh phơi sách, phơi vở. Lệ thường cứ sau lụt là trời nắng, những ướt át được đưa ra hong phơi, nào là sách vở, nào là áo quần, rồi gạo, sắn khô, khoai khô... Đi từ nhà này qua nhà kia, trước sân nhà nào cũng là cảnh phơi phóng ấy. Tự nhiên đám bạn hàng xóm chúng tôi thành một nhóm đi phơi sách. Chúng tôi vừa đi chơi mà cũng là đi đến nhà giúp nhau. Dĩ nhiên chỉ những sách vở bị ướt chút ít mới phơi được chứ còn ngâm nước lụt rồi là hết cách “cứu”, vì trong nước lụt có bùn, những trang sách cứ dính bết vào nhau, gỡ ra là rách.

Một thời thơ dại trong tôi cũng có lúc bùn đất lấm lem trang sách, ướt nhòe nước mắt học trò như thế nên bây giờ nhìn là hiểu, thấy là thương.

Tôi cũng đã từng bắt gặp đôi mắt buồn bên những trang sách ướt ở một trường trung học cơ sở vùng thấp lụt của huyện Quảng Điền. Hôm ấy tôi theo các em đoàn viên đi thăm và tặng quà cho học sinh vùng bị lụt. Khi tôi hỏi một em học sinh về chuyện sách vở, bỗng nhiên em ấy im lặng rồi mắt rơm rớm nước. Em kể sách vở nước lụt ngâm ướt hết rồi, cũng không phơi lại được. Trận lụt lớn năm ấy, trường em nước ngập sâu hơn 1,5 mét vì ở gần sông, các thầy cô trong trường phải dọn lớp bùn dày gần nửa mét ở trong phòng học và hơn nửa mét ở sân trường. Nhìn em ấy nâng niu món quà nhỏ là chiếc cặp cùng với sữa và mười cuốn vở mà đoàn thiện nguyện trao tặng, tôi hiểu món quà nhỏ này là vô vùng quý giá và thiết thực với các em.

Sau lụt, những vùng bị thiệt hại cần cứu trợ nhiều thứ lắm, cần sửa sang, xây dựng lại nhiều thứ, nhưng sách đối với học trò hình như là khó hơn cả. Khó vì cha mẹ phải tốn thêm một khoản tiền để mua cho con, mà nhiều khi có tiền cũng không mua được sách, vì bây giờ các nhà sách cũng “đo lường” trước nhu cầu để nhập sách nên hết mùa khai giảng là gần như các nhà sách đều hết sách giáo khoa, có tiền cũng chưa chắc có sách để mua. Cũng khó xin hoặc trao tặng sách cũ, vì mỗi trường học theo mỗi bộ sách khác nhau. Những trang sách ướt mùa lụt vì thế bây giờ vẫn là nỗi buồn sau lụt của nhiều em học sinh.

Chống chọi với bão lũ, an toàn sinh mạng và no ấm là hai mối lo lớn nhất của người lớn. Sau lũ, làm sao để các em sớm trở lại trường cũng là nỗi lo đầu tiên của người lớn. Quá nhiều nỗi lo dành cho người lớn rồi nên nỗi buồn trang sách ướt là nỗi buồn của các em học sinh vùng lũ, từ năm nào của thế hệ tôi cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy có chung một nỗi buồn ấy. Nó đọng lại trong dáng ngồi thẫn thờ, trong ánh mắt bất lực nhưng tôi biết, những trang sách ướt ấy đã nuôi dưỡng lòng ham học và sự chăm chỉ học hành của rất nhiều trẻ em vùng lũ. Sống cùng những trang sách ướt mỗi mùa mưa lụt hàng năm, nhiều thế hệ trẻ em vùng lũ đã vươn lên và thành công trong cuộc đời, không hoàn toàn ở ý nghĩa là có cuộc sống giàu có hay địa vị cao sang mà là ở nhân cách tốt đẹp.

Xuân An