Biểu tượng của ứng dụng TikTok, một nền tảng video ngắn trên thiết bị di động. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Điều này phản ánh cam kết của WHO trong việc tận dụng nhiều nền tảng truyền thông kỹ thuật số để tăng cường sự tiếp cận đến mọi người trên toàn cầu, qua đó thúc đẩy hiểu biết về y tế, hành vi và hành động khỏe mạnh trong một thế giới ngày càng số hóa.

Theo cơ quan y tế của Liên hợp quốc, các nền tảng truyền thông xã hội có thể là những nguồn thông tin quan trọng ảnh hưởng đến hành vi và quyết định liên quan đến sức khỏe. Đáng chú ý, cứ 4 người trẻ thì có 1 người tích cực tìm kiếm nội dung tin tức trên các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm TikTok. Mọi người ngày càng trở thành mục tiêu của thông tin sai lệch trên các kênh kỹ thuật số này. Sự hợp tác mới giữa WHO và TikTok nhằm giúp giải quyết những thách thức này, bằng cách thúc đẩy nội dung dựa trên bằng chứng và khuyến khích các cuộc đối thoại tích cực về y tế.

“Mối quan hệ đối tác này có thể chứng minh là một bước ngoặt về cách các nền tảng có thể có trách nhiệm hơn với xã hội. Sự giao thoa giữa y tế và công nghệ mang đến cơ hội tiếp cận mọi người ở mọi lứa tuổi, bất kể họ ở đâu, và khi nào họ muốn tiếp cận”, ông Jeremy Farrar, nhà khoa học trưởng của WHO cho biết.

“Bằng cách hợp tác với TikTok và các bên khác, chúng tôi đang giúp mọi người tiếp cận thông tin đáng tin cậy, và tham gia vào các cuộc thảo luận khoa học, cùng nhau giúp định hình một tương lai khỏe mạnh hơn cho tất cả mọi người”, ông Jeremy Farrar nói thêm.

Về phần mình, Trưởng Bộ phận Tiếp cận và quan hệ đối tác tin cậy và an toàn toàn cầu của TikTok, ông Valiant Richey cho hay: “Hàng triệu người truy cập TikTok mỗi ngày để chia sẻ và tìm kiếm cộng đồng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả sức khỏe của họ, và chúng tôi nỗ lực đảm bảo họ có thể tìm thấy thông tin đáng tin cậy về chủ đề quan trọng này. Đó là lý do tại sao chúng tôi rất vui mừng hợp tác với mạng lưới những người có ảnh hưởng về sức khỏe Fides của WHO, để củng cố thêm cam kết này thông qua việc mang đến nội dung sức khỏe tinh thần hấp dẫn và chính thức cho cộng đồng”.

Được biết, mạng lưới Fides của WHO được ra mắt vào năm 2020, đã huy động những người sáng tạo nội dung về sức khỏe để chống lại thông tin sai lệch, đồng thời nâng cao nội dung dựa trên bằng chứng. Với cộng đồng hơn 800 người sáng tạo, tiếp cận 150 triệu người trên nhiều nền tảng khác nhau, Fides có thể giúp tăng cường truyền thông có mục tiêu, đáng tin cậy để giúp mọi người tiếp cận thông tin y tế tốt hơn.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sáng kiến này, ông Alain Labrique, Giám đốc Y tế kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo của WHO lưu ý: “Những người sáng tạo hiểu được nhu cầu của khán giả, có cơ hội đặc biệt để thu hẹp khoảng cách giữa khoa học và cuộc sống hàng ngày. Đây là nơi WHO có thể vào cuộc để hỗ trợ những người có ảnh hưởng trong việc cung cấp thông tin dựa trên bằng chứng, đảm bảo các cuộc trò chuyện về sức khỏe trên những nền tảng như TikTok vừa có tác động, vừa có thông tin đầy đủ”.

Bên cạnh đó, mối quan hệ đối tác mới này cũng sẽ mở rộng các nỗ lực xoay quanh một số chủ đề y tế có liên quan, chuyển đổi thông tin dựa trên khoa học thành nội dung video dễ hiểu và đáng tin cậy, đồng thời cung cấp thêm sự hỗ trợ dành cho những người có ảnh hưởng thông qua các chương trình đào tạo cho các nhà sáng tạo của TikTok.

THANH NGÂN (Lược dịch từ WHO)