Lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Nam Đông tiếp xúc cử tri, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở

Nhiều giải pháp

Là địa bàn miền núi, Nam Đông có số đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số khá đông. Từ thực tế này, ngay từ đầu Đại hội Đảng bộ huyện Nam Đông, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đông đã tham mưu trình Huyện ủy Đề án “Nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên giai đoạn 2021 – 2025”.

Để thực hiện đề án, Huyện ủy Nam Đông đã ban hành Nghị quyết (NQ) 06 –NQ/HU, ngày 5/4/2021 để tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả cao nhất, với mục tiêu phải nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên trong toàn Đảng bộ huyện.

“Ngoài ban hành các NQ về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và nhiều văn bản để tăng cường lãnh, chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng cán bộ, đảng viên, Huyện ủy Nam Đông đã phân công từng Huyện ủy viên thường xuyên về cơ sở để cùng sinh hoạt với chi bộ thôn, dân cư để chỉ đạo, định hướng việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với việc phát triển đảng viên mới”, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đông – ông Đoàn Văn Sóng chia sẻ.

Trong mỗi lần sinh hoạt, các chi bộ tập trung lồng ghép những nội dung cụ thể, thiết thực mà các đảng viên, người dân quan tâm. Đó là, xây dựng nông thôn mới; xây dựng thôn không có hộ nghèo, không có nhà tạm; đưa cây keo tràm không hiệu quả ra khỏi vườn nhà; vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu ra khỏi đời sống người dân… “Chính từ những việc cụ thể như vậy, các đảng viên đã tập trung phân tích, làm rõ, đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả. Những buổi sinh hoạt chi bộ như thế này không chỉ nâng cao chất lượng sinh hoạt, mà còn phát huy được tinh thần dân chủ, thẳng thắn của các đảng viên trong sinh hoạt. Qua đó, nhiều việc khó tại cơ sở được tập trung tháo gỡ, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao của cán bộ, đảng viên và người dân”, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Nam Đông – ông Hồ Sỹ Minh cho biết.

Tuy còn những khó khăn, nhưng những năm gần đây, tỷ lệ phát triển đảng viên mới ở Nam Đông tăng hàng năm. Một trong những giải pháp tạo nguồn đảng viên mới chính là trong một số trường học ở Nam Đông đã thành lập được mô hình “Tổ cảm tình Đảng”. “Thành viên trong “Tổ cảm tình Đảng” đều là đảng viên có nhiều kinh nghiệm, uy tín, thường xuyên theo dõi, trao đổi, giúp đỡ, bồi dưỡng quần chúng nhằm tạo nguồn phát triển đảng viên mới trong đơn vị. Cách làm này đã tăng tỷ lệ phát triển đảng viên mới trong trường học”, ông Nguyễn Toàn Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Đông cho biết.

Tại các Đảng ủy xã, thị trấn ở Nam Đông cũng đã tập trung lãnh, chỉ đạo, triển khai thực hiện chủ trương trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư. Sau thời gian nỗ lực phấn đấu, đến nay, toàn huyện Nam Đông đã có 50/60 trưởng thôn, tổ trưởng dân phố là đảng viên; 26/60 bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; 4/60 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban mặt trận khu dân cư. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng, thu gọn đầu mối cán bộ cấp thôn, giải quyết kịp thời những phát sinh ở cơ sở.

Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương

Hiện vẫn còn những khó khăn trong thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên, nhưng với quyết tâm cao nhất, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đông đề ra 5 giải pháp, cùng với những bài học kinh nghiệm cần đúc rút để tiếp tục nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên.

Theo đó, thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng gắn với đổi mới nội dung, phương thức, phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, năng lực, nêu gương của đội ngũ bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận khu dân cư; tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ thôn, tổ dân phố về kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của thôn, tổ dân phố.

“Khả năng nắm bắt các chỉ thị, NQ, quy định của Đảng của cán bộ các xã đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những hạn chế; nguồn phát triển đảng viên mới ở vùng nông thôn ngày càng khó khăn chính là những “rào cản” trong quá trình triển khai thực hiện việc nâng cao chất lượng TCCSĐ và đảng viên của huyện. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, những tồn tại, khó khăn, “rào cản” dần được tháo gỡ chính bằng những chủ trương, chỉ thị, NQ sát đúng với thực tế của từng địa phương, thôn, tổ dân phố”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Đông – ông Mai Văn Dũng chia sẻ.

Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Đông xác định, tiếp tục duy trì và thực hiện tốt nhiệm vụ phân công đảng viên theo dõi, phụ trách nhóm hộ gia đình; gắn phân công nhiệm vụ với đôn đốc đảng viên thực hiện nhiệm vụ được giao. “Phấn đấu đến năm 2025, có trên 80% trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các chi hội, chi đoàn thôn, tổ dân phố là đảng viên; tiếp tục duy trì và nhân rộng chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận dân cư phù hợp với từng địa phương”, Bí thư Huyện ủy Nam Đông – bà Trần Thị Hoài Trâm khẳng định.

Đảng bộ huyện Nam Đông hiện có 42 TCCSĐ (14 đảng bộ, 28 chi bộ cơ sở) với 128 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, 2.198 đảng viên. Toàn huyện có 60 thôn, tổ dân phố với 6.873 hộ, 28.336 nhân khẩu. Ngoài người Kinh, ở Nam Đông dân tộc thiểu số Cơ Tu chiếm 43,31% dân số toàn huyện.


Bài, ảnh: PHONG ANH