ASEAN phải luôn linh hoạt và có chiến lược để thịnh vượng lâu dài. Ảnh minh họa: PUB/Cổng Thông tin Điện tử Sở Ngoại vụ Nghệ An |
Theo đó, năm nay bắt đầu với nhiều khó khăn đối với nhiều nền kinh tế trong khu vực, gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan, khi tiền tệ mất giá do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng mạnh lãi suất trong suốt năm 2023.
Áp lực giá cả làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và kéo tăng trưởng của các nước nói riêng và của toàn khu vực ASEAN nói chung đi xuống. Ngay cả khi lạm phát bắt đầu giảm, các ngân hàng trung ương vẫn miễn cưỡng cắt giảm lãi suất và áp dụng nhiều cách khác nhau để hỗ trợ tiền tệ trong nước trong bối cảnh lo ngại về việc nới rộng mức chênh lệch lãi suất với Mỹ.
Thêm vào đó, căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông và sự bất ổn trong quan hệ Mỹ - Trung cũng làm lu mờ triển vọng của khu vực.
Song đến giữa năm 2024, tình hình bắt đầu thay đổi khi Fed tạm dừng tăng lãi suất và báo hiệu về khả năng thay đổi.
Bước ngoặt thật sự đã xuất hiện cách đây hơn một tuần, khi Fed cắt giảm lãi suất nhiều hơn dự kiến, dẫn đến sự điều chỉnh mạnh của đồng Dollar Mỹ. Sự thay đổi ôn hòa bất ngờ đã thổi luồng sinh khí mới vào khu vực, với giá trị của các loại tiền tệ trở nên mạnh hơn và sự tự tin của các nhà đầu tư cũng đang trở lại mạnh mẽ.
Cụ thể, đồng Ringgit của Malaysia và đồng Rupiah của Indonesia đã phục hồi mạnh mẽ so với đồng bạc xanh và đồng Bath của Thái Lan cũng chứng kiến chuỗi tăng giá dài nhất kể từ năm 2020.
Trong khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) định hình chính sách, các yếu tố trong nước sẽ quyết định thời điểm và mức độ thay đổi trong chính sách tiền tệ của khu vực.
Indonesia và Philippines, khi chứng kiến giá trị của đồng tiền trở nên ổn định và lạm phát giảm, hai nước đã cắt giảm 25 điểm lãi suất cơ bản, với kỳ vọng mức lãi suất sẽ nới lỏng hơn nữa.
Thái Lan có thể giữ nguyên lãi suất mặc dù đồng Bath mạnh hơn. Trong khi đó, bất chấp gián đoạn, Việt Nam cũng được kỳ vọng sẽ duy trì mức lãi suất khi lạm phát đạt đỉnh.
Sự phục hồi của đồng tiền nhìn chung đã tạo ra một làn sóng tăng giá trên các thị trường chứng khoán của khu vực, một sự phục hồi được mong đợi từ lâu sau nửa đầu năm ảm đạm khi chứng kiến mức giảm 21% trong các đợt chào bán công khai. Sự phục hồi cũng diễn ra sau khi vốn hóa thị trường giảm 71% so với năm 2023.
Tuy nhiên, bất chấp đà tăng trưởng tích cực, vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể đối với khu vực. Các chuyên gia nhận xét rằng bất ổn địa chính trị, áp lực lạm phát và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn còn tồn tại và có thể làm chệch hướng tiến trình phục hồi này.
Trong khi lãi suất toàn cầu thấp hơn đang thúc đẩy sự phục hồi trong tiêu dùng và đầu tư, chúng cũng đi kèm với rủi ro gây ra lạm phát. Việc điều hướng ranh giới mong manh này sẽ đòi hỏi các nhà hoạch đính chính sách phải hành động khéo léo và theo dõi chặt chẽ các diễn biến toàn cầu.
Để ASEAN duy trì đà phát triển đáng khích lệ này vào năm 2025, chính phủ các nước nên có những động thái chiến lược, bao gồm tiếp tục cải cách cơ cấu và tăng cường quan hệ toàn cầu và quan hệ nội khối. Cuộc đua số là một mặt trận khác mà khu vực không thể tụt hậu nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh.
Nhìn chung, ASEAN phải luôn linh hoạt và có chiến lược để biến sự phục hồi này thành kết quả thịnh vượng lâu dài.