Hỗ trợ xóa nhà tạm, xây dựng nhà cho hộ nghèo ở A Lưới

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế của huyện A Lưới đã có sự chuyển dịch đúng hướng, một phần nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ nguồn lực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG).

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (NQ 05), A Lưới đã phát triển được vùng SXNN tập trung tại các địa phương, sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, hữu cơ, OCOP, VietGAP. Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, với bảo quản, chế biến sâu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần giảm nghèo bền vững.

Theo Phòng NN&PTNT huyện A Lưới, từ nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, địa phương đã ưu tiên phát triển đàn vật nuôi chủ lực như bò, dê, lợn hữu cơ phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ sản xuất của người dân. Xây dựng mô hình, hướng dẫn cho người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, phù hợp với điều kiện, tập quán chăn nuôi. Khuyến khích người dân áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến giúp sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững khi ra thị trường.

Nhằm tạo cơ sở để định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, huyện A Lưới đã xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng. Kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp, từng bước hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các gia trại, trang trại chăn nuôi thân thiện với môi trường.

Nhãn hiệu tập thể “Thịt bò vàng A Lưới” được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận và giao cho Hội Nông dân huyện quản lý. Đồng thời, đã xây dựng quy chế quản lý và sử dụng “Nhãn hiệu tập thể thịt bò vàng A Lưới” để triển khai thực hiện trên địa bàn.

A Lưới khuyến khích phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp với thế mạnh từng địa phương 

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hiện nay chương trình OCOP được duy trì với 2 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao (vải dèng và chuối già lùn A Lưới); 2 sản phẩm đạt 3 sao (thịt bò vàng và du lịch sinh thái cộng đồng A Nor). Các sản phẩm OCOP đã được công nhận góp phần quảng bá và tăng mức tiêu thụ sản phẩm. Huyện đã đầu tư máy chế biến sản phẩm từ chuối già lùn, chế biến thịt bò khô, bao bì được hút chân không với nhãn mác, thương hiệu đầy đủ giúp tăng giá trị sản phẩm. Hình thành và thực hiện có hiệu quả các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như chuối già lùn, sâm Bố Chính, lợn hữu cơ.

Theo UBND huyện A Lưới, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng để phục vụ phát triển nông nghiệp được quan tâm, triển khai đồng bộ. Huyện đã bố trí ngân sách gần 54 tỷ đồng để xây dựng các công trình kênh mương thủy lợi, đường vào khu sản xuất để phục vụ quá trình sản xuất nông nghiệp.

Huyện cũng huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ 3 CTMTQG để thực hiện có hiệu quả NQ05. Hiện nay, các công trình thủy lợi đáp ứng được 70% lượng nước tưới trên đồng ruộng vào mùa khô, gồm có 21 hồ chứa, 63 đập dâng lớn nhỏ, hơn 113km kênh mương cung cấp nước tưới cho đồng ruộng. Đường giao thông vào khu sản xuất đáp ứng khoảng 60% đường cứng hóa.

UBND tỉnh đã tổ chức công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 vào đầu tháng 9 vừa qua. Đây là dấu ấn quan trọng trong hành trình phát triển của huyện A Lưới.

Bài, ảnh: Nguyên Định