Di sản và văn hóa của Huế cũng một phần là nắng gió, là những cánh cò bay chấp chới trên sông Hương một ngày bình lặng, những đàn chim trong vườn Đại Nội cả những điệu hò câu lý thương thương. Hồi còn sinh viên trọ ở Thủy Dương (TX. Hương Thủy), có anh bạn hay giăng lưới bẫy chim, tôi chỉ nghe anh kể trong những sáng cà phê thôi. Rồi một ngày anh hẹn tôi, dậy từ gần bốn giờ sáng, bẫy giăng, tiếng chim kêu cứu được phát từ loa và bầy chim trời đã lao vào tấm lưới chùng rất dài, mắc lại trong tuyệt vọng. Hình ảnh này hồi ấy chưa gợi cho tôi nhiều trắc ẩn, tuy tôi đã về ngay sau đó. Cây lành, chim đậu. Tôi gặp lại anh bạn sau hơn chục năm, vẫn nghề bắt chim, mang một lồng đầy chim bất ngờ sà vào nhà tôi uống nước.

 Cây xanh được xem là báu vật của một đô thị văn hóa di sản như Huế. Ảnh: P. THÀNH

Ai đó hãy tưởng tượng về một đôi tình nhân đang ngồi trên ghế đá ở con đường giữa khu quy hoạch mới, gần tàng cây, những đàn chim tầm tối về đậu kín dày hơn cả số lá. Đôi tình nhân vẫn bình thản ngồi tâm sự. Chợt có người đàn ông dừng xe, rút một cái sào dài giăng ra tấm lưới chùm; đôi tình nhân vẫn chưa hiểu gì, cho đến khi anh ta ập tấm lưới ấy vào nguyên tàng cây, bầy chim vùng lên. Cũng là lúc, đôi tình nhân bật dậy ngơ ngác không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra dẫu mắt đã thấy sờ sờ. Không ai lúc đó có thể cứu đàn chim ngoài đồng tiền không nhỏ. Chúng ta có thể tưởng tượng nhiều hơn cho một cốt truyện là nỗi ám ảnh từ sự thật kia để cấu tứ thành một tác phẩm đầy ẩn ức giữa tình yêu, tình bạn, chân trời và lũ chim tán tụ như một cộng đồng đã vùng vẫy đôi cánh rã rời. Cho đến đầu năm 2020, Huế có chỉ thị về việc cấm săn, bắn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài chim trời. Từ đó, mỗi lần trở về nhà tôi vẫn nhìn lên tàng cây ở khu quy hoạch, những đôi chim đã bay, nhảy líu lo trên đó. Tôi về đầm chim Quảng Thái, người dân nói với tôi trong một chiều mưa nhẹ, rằng bầy chim đã được bảo vệ và hồi sinh.

Rừng và phố có khác gì nhau khi thiên thiên quyện vào như tranh. Tôi có nhiều kỷ niệm với A Lưới, với màu sơn cước mỗi chiều nắng mỏng như tơ, vào mỗi sáng giữa hè mà se lạnh như mùa đông sắp sửa. Nhớ con dốc trên bản Hưa xa xăm có cây cổ thụ mà trái của nó dùng để chế biến thành món ăn đặc sản. A Lưới xa vậy đã sắp về phố, sắp hòa vào âm sắc của thị thành. Hoa văn trên váy zèng cũng như tiết điệu thêu thùa trên áo dài xênh xang. Cây cổ thụ trên rừng cũng sánh với hàng lưu niên trong Đại Nội.

Tôi có lần đã phát hiện ra một “báu vật” trong thành phố. Tôi không sở hữu được gì cả, đơn giản là nhìn - đó là cây phượng tím ở ngay cổng Hội Quảng Tri. Tại sao nó cao lớn lừng lững vậy mà đến giờ tôi mới thấy. Phượng tím ở Huế khác hẳn với vùng khác, thưa hoa, màu tím không rợ mà trầm sâu, sắc tím tỏa ra như hơi sương đậm dần trong mắt người si mê. Nhớ lại cây phượng ngay đầu đường Nguyễn Trường Tộ, chỉ còn lại một bức ảnh tôi chụp hồi đó, cả bức tường gợi nhớ nữ sinh Đồng Khánh cũ mèm. Màu sơn đỏ sậm của ngôi trường hòa với màu ngói như kéo thời gian xưa về lại, bên kia là Trường Quốc Học với bức tường lỗ chỗ rêu thức dậy một khung trời thơ dại học trò. Mùa phượng đỏ rực xòa bên mái, vươn ra vỉa hè nhoi nhói ký ức. Con đường cắt với đường Nguyễn Huệ, rồi tiếp tục kéo dài lên dốc Phủ Cam - dốc nhớ, dốc hoài niệm, dốc miền thanh khiết.

Phố vẫn trong mát như hồi tôi mới vào đây học. Khác là cây cối đã nhiều hơn, xanh, những ngõ nhỏ sạch, góc cỏ hoang được thu vén để trồng lên các loài hoa. Di sản của Huế đôi khi là một cái cây trong vườn chùa, là một khối đá ven biển. Những vệt nắng bên đường, loang trên nền rêu Huế âu cũng là phần tinh khôi của di sản miền cố xứ. Đôi khi vẻ đẹp của sự tĩnh lặng gần như ở mức linh thiêng, quyến rũ của thiên nhiên luôn đưa ta rời phiền muộn trước. Ở đâu và bao giờ cũng thế, thiên nhiên luôn quan trọng đối với sức khỏe, tâm hồn. Mùa xuân đơn giản là “xanh”, xanh trời, xanh cỏ cây hoa lá, xanh tuổi đời, và hiển nhiên lúc nào có “xanh” thì bóng dáng của mùa xuân ở đó. Huế xanh thêm mỗi ngày, cả màu rêu trên di sản cũng nói lên một sức sống trầm sâu.

Nhụy Nguyên