Lĩnh vực năng lượng tái tạo tạo ra 16,2 triệu việc làm trên toàn cầu trong năm 2023. Ảnh minh họa: Baodautu.vn

Tuy nhiên, khi xem xét kỹ hơn các dữ liệu của báo cáo, chúng ta thấy rõ bức tranh toàn cầu “không đồng đều” khi gần 2/3 công suất năng lượng mặt trời và năng lượng gió toàn cầu mới được lắp đặt trong năm ngoái đều ở Trung Quốc. Ước tính, nước này đã tạo ra 7,4 triệu việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đưa Trung Quốc lên vị trí dẫn đầu khi chiếm 46% tổng số việc làm toàn cầu trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo sử dụng 1,8 triệu lao động ở Liên minh châu Âu (EU), tiếp theo là Brazil với 1,56 triệu lao động. Tại Mỹ và Ấn Độ, lĩnh vực này cung cấp gần 1 triệu vị trí việc làm ở mỗi nước.

Với đà phát triển nhanh chóng, ngành quang điện mặt trời (PV) sử dụng nhiều lao động nhất, với 7,2 triệu việc làm trên toàn cầu, trong đó có đến 4,6 triệu việc làm chỉ riêng ở Trung Quốc – nơi các nhà sản xuất và lắp đặt PV chiếm ưu thế. Đặc biệt, Đông Nam Á đang nổi lên như một trung tâm xuất khẩu quang điện mặt trời quan trọng, tạo ra nhiều việc làm trong khu vực, một phần nhờ các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc.

Dữ liệu cho thấy, ngành nhiên liệu sinh học dạng lỏng mang đến số lượng việc làm lớn thứ hai, tiếp đó là thủy điện và điện gió. Trong bảng xếp hạng số lượng việc làm về nhiên liệu sinh học, Brazil dẫn đầu khi chiếm 1/3 trong số 2,8 triệu lao động trên thế giới trong lĩnh vực này, và Indonesia đứng vị trí thứ hai, với 1/4 số việc làm trong ngành nhiên liệu sinh học toàn cầu.

Cũng theo báo cáo, do việc triển khai chậm lại, thủy điện trở thành một ngoại lệ trước xu hướng tăng trưởng chung, với số lượng việc làm trực tiếp ước tính đã giảm từ 2,5 triệu vào năm 2022 xuống còn 2,3 triệu. Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Việt Nam là những quốc gia sử dụng nhiều lao động nhất trong ngành này.

Ở lĩnh vực điện gió, Trung Quốc và châu Âu vẫn chiếm ưu thế khi đóng góp lần lượt 52% và 21% vào tổng số 1,5 triệu việc làm trên toàn cầu.

Đáng lưu ý, dù có tiềm năng tài nguyên to lớn nhưng châu Phi vẫn chỉ nhận được một phần nhỏ trong tổng đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo, tạo ra chỉ 324.000 việc làm trong lĩnh vực này vào năm 2023. Đối với những khu vực đang rất cần nguồn năng lượng đáng tin cậy và bền vững như châu Phi, các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung (DRE) mang đến cơ hội thu hẹp khoảng cách tiếp cận và tạo việc làm. Đồng thời, việc xóa bỏ rào cản đối với phụ nữ trong việc khởi nghiệp ở lĩnh vực DRE có thể kích thích sự phát triển của ngành, dẫn đến cải thiện nền kinh tế địa phương và công bằng năng lượng.

Thừa nhận mức độ tập trung địa lý cao, Tổng Giám đốc IRENA Francesco La Camera cho rằng “câu chuyện về quá trình chuyển đổi năng lượng và những lợi ích kinh tế xã hội của nó không nên chỉ xoay quanh một hoặc hai khu vực. Nếu tất cả chúng ta muốn thực hiện cam kết chung là tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, thế giới phải đẩy mạnh hoạt động và hỗ trợ các khu vực thiệt thòi trong việc giải quyết các rào cản cản trở quá trình chuyển đổi. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế có thể giúp huy động thêm tài chính cho việc hỗ trợ chính sách và xây dựng năng lực ở các quốc gia vẫn chưa được hưởng lợi từ việc tạo việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về các kỹ năng trong quá trình chuyển đổi năng lượng, các chính sách phải hỗ trợ sự đa dạng hơn nữa của lực lượng lao động và hướng tới bình đẳng giới. Theo dữ liệu từ ILO, phụ nữ hiện chiếm 32% tổng lực lượng lao động năng lượng tái tạo – một tỷ lệ không đồng đều, ngay cả khi số lượng việc làm vẫn tiếp tục tăng. Do đó, ILO nhấn mạnh yêu cầu cần thiết là giáo dục và đào tạo phải dẫn đến các cơ hội việc làm đa dạng cho phụ nữ, thanh niên và thành viên của các nhóm thiểu số và yếu thế.

Là một phần trong công trình phân tích sâu rộng của IRENA về tác động kinh tế - xã hội của quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên năng lượng tái tạo, báo cáo chung này của IRENA và ILO cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cách tiếp cận lấy con người và hành tinh làm trung tâm để đạt được quá trình chuyển đổi công bằng và toàn diện. Ngoài việc theo đuổi sự đổi mới trong công nghệ, báo cáo kêu gọi một khuôn khổ chính sách toàn diện để nhanh chóng đạt được mục tiêu tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo, với chi phí thấp nhất có thể và ưu tiên tạo ra giá trị tại địa phương, đảm bảo tạo việc làm tử tế cho người lao động và cộng đồng trong quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tố Quyên (Lược dịch từ ILO)