Nhờ đầu tư thêm máy móc vào khâu chế tác, những sản phẩm của cơ sở điêu khắc Cảnh Tân ngày càng được nhiều thị trường đón nhận. Ảnh: CSĐKCT |
Là một trong những cơ sở điêu khắc gỗ có tiếng trên địa bàn xã Quảng An, cơ sở sản xuất điêu khắc Cảnh Tân do anh Phan Cảnh Tân, thôn Phú Lương B quản lý được thị trường trong và ngoại tỉnh biết đến với những sản phẩm chạm, khắc tinh tế. Theo guồng quay thị trường, ngoài sự tinh tế, tỉ mẩn của người thợ chạm khắc, các cơ sở điêu khắc cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ vào một số công đoạn sản xuất. Anh Phan Cảnh Tân cũng nung nấu ý định đầu tư thêm máy móc phục vụ công việc.
Nắm được mong muốn này, cán bộ Hội Nông dân xã Quảng An đã tiếp cận tư vấn, hỗ trợ anh tìm hiểu về nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Qua thời gian ngắn thực hiện thủ tục, anh Phan Cảnh Tân được giải ngân cho vay 90 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm.
Theo anh Phan Cảnh Tân, việc đầu tư máy móc cần số vốn ban đầu lớn, nếu chỉ sử dụng nguồn lực sẵn có thì rất khó đầu tư. “Ban đầu tôi cũng định vay vốn thương mại để đầu tư nhưng tìm hiểu, những vấn đề về thủ tục, lãi suất khiến tôi chần chừ. Nhờ cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn nên khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội thấy cũng không quá áp lực. Sau hơn 1 năm đầu tư máy móc, sản phẩm của cơ sở được thị trường trong và ngoài tỉnh như: Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh… ưa chuộng. Nhờ đó, thu nhập của cơ sở sản xuất khá ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động”, anh Tân chia sẻ.
Không riêng gì nguồn vốn giải quyết việc làm, các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh và sinh viên, người chấp hành xong án phạt tù… cũng góp phần không nhỏ giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Quảng Điền đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng, ổn định cuộc sống.
Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quảng Điền đạt hơn 481 tỷ đồng, với 10.285 khách hàng còn dư nợ; tỷ lệ quá hạn chỉ chiếm 0,07% trên tổng dư nợ. Thông qua các chương trình tín dụng, nguồn vốn giải ngân qua NHCSXH đã giúp cho trên 1.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, giải quyết việc làm, góp phần thu hút, tạo việc làm cho gần 600 lượt lao động; hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo 3.500 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ vốn trang trải chi phí học tập cho trên 50 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 11 lao động được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, 7 đối tượng chấp hành xong án phạt tù được vay vốn theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Ông Trương Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Điền cho biết, để nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả theo đúng định hướng, Phòng giao dịch đã tăng cường công tác phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các hội đoàn thể tiếp tục chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân; lồng ghép các chương trình tín dụng với các chương trình dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho người dân.
Ngoài ra, cán bộ tín dụng cũng theo sát từng địa bàn thực hiện công tác giám sát, phối hợp thực hiện giám sát chéo giữa các tổ, hội để đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu của huyện đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao.