Mô hình chăn nuôi tuần hoàn kết hợp của anh Mạnh giúp anh thoát nghèo, trở thành hộ khá giả tại xã Hồng Thái |
Bắt đầu từ con số không
Như nhiều thanh niên Pa Cô khác, sau khi lập gia đình, Nguyễn Văn Mạnh đã phải đối mặt với cuộc sống tự lập đầy khó khăn. Với tài sản duy nhất là 1ha đất rừng được bố mẹ trao cho, anh phải tự tìm cách khai thác tiềm năng từ mảnh đất khô cằn này. Ban đầu, anh trồng keo tràm - loại cây phải mất 5 năm mới cho thu hoạch. Một sào ruộng được mùa cũng chỉ đủ gạo cho gia đình ăn trong vòng vài tháng, khiến cuộc sống của vợ chồng trẻ vô cùng chật vật.
Khó khăn là thế, nhưng Nguyễn Văn Mạnh không nản lòng. Để có thêm thu nhập, anh nhận thêm việc bóc vỏ keo thuê. Với thu nhập bấp bênh, anh nhận ra cần phải tìm hướng đi khác để cải thiện cuộc sống. “Nếu chỉ đi bóc keo thuê và làm vườn thì khó mà nuôi con ăn học đầy đủ. Vậy là tôi quyết định vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua 3 con bò giống”, anh Mạnh chia sẻ.
Quyết định nuôi bò trở thành bước ngoặt trong cuộc đời anh Mạnh. Anh bắt đầu trồng cỏ, xây dựng chuồng trại và chăm sóc bò một cách cẩn thận. Từ 3 con bò giống ban đầu, nhờ sự chăm sóc kỹ lưỡng, đàn bò của anh nhanh chóng phát triển. Chỉ trong vài năm, anh đã sở hữu đàn bò hơn chục con, với bốn con bò mẹ luôn duy trì để sinh sản bê giống. Mỗi năm, đàn bò mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định từ việc bán bê con và bò thịt.
Từ nguồn thu nhập đó, anh Mạnh có điều kiện đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố và phát triển thêm mô hình chăn nuôi heo. Ban đầu, anh Mạnh chỉ nuôi vài con heo thịt, dần dần, anh chuyển sang nuôi thêm heo nái để chủ động giống, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế. Mỗi năm, 4 con heo nái sinh sản đều đặn, cung cấp đủ heo giống để nuôi thương phẩm.
Không dừng lại ở việc chăn nuôi bò và heo, anh Mạnh còn đầu tư xây dựng hai lồng nuôi cá trắm cỏ trên dòng sông Tà Rềnh ngay gần nhà. Mỗi năm, hai lồng cá này mang lại thu nhập khoảng 30 triệu đồng, góp phần không nhỏ vào kinh tế gia đình. Anh còn thuê thêm đất để trồng lúa cung cấp gạo cho gia đình và làm thức ăn chăn nuôi gà, vịt.
Chăn nuôi tuần hoàn kết hợp của anh Mạnh trở thành mô hình tiêu biểu trong cộng đồng người Pa Cô tại xã Hồng Thái. Anh không chỉ nuôi sống gia đình mà còn tạo dựng được một cuộc sống khá giả và bền vững. Mô hình này cũng giúp anh Mạnh đa dạng hóa nguồn thu nhập và giảm thiểu rủi ro kinh tế.
Chia sẻ kinh nghiệm
Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh Mạnh còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong vùng. Những kiến thức học được từ các khóa tập huấn thú y đã giúp anh tự tin hơn trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Anh cũng không ngần ngại hỗ trợ người dân địa phương khi gia đình họ gặp khó khăn trong chăn nuôi.
Với sự tận tụy và lòng nhiệt thành, anh Mạnh được người dân tin tưởng và quý mến. Những lần anh đi tiêm phòng cho đàn heo, đàn gà hay chia sẻ cách chăm sóc bò sinh sản, đều là những dịp để anh chia sẻ, lan tỏa tinh thần làm giàu từ đôi bàn tay trắng. Mô hình kinh tế của anh đang dần được nhân rộng trong cộng đồng, đặc biệt là mô hình nuôi cá lồng trắm cỏ.
“Mong muốn của tôi là làm sao ai cũng có thể tự phát triển kinh tế, có thu nhập ổn định, từ đó thoát khỏi cảnh khó khăn, túng thiếu, góp phần giảm nghèo bền vững”, anh Mạnh mong mỏi.
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, hành trình vượt khó của Nguyễn Văn Mạnh là minh chứng rõ nét cho tinh thần đổi mới và sáng tạo của thanh niên dân tộc thiểu số. Anh đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của xã Hồng Thái, đồng thời tạo động lực cho cộng đồng người Pa Cô cùng nhau vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc trên mảnh đất quê hương.
Những nỗ lực và thành quả của Nguyễn Văn Mạnh đã được ghi nhận xứng đáng. Anh là một trong những gương mặt tiêu biểu được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2023. Đây không chỉ là niềm tự hào của riêng anh, mà còn là nguồn động viên to lớn cho những người trẻ Pa Cô đang nỗ lực vươn lên từ khó khăn.