Ca Huế trên ngự thuyền. Ảnh: Đăng Tuyên

Thương hiệu ca Huế trên sông Hương đang nảy sinh những vấn đề tiêu cực, khiến du khách và báo chí nhiều lần lên tiếng.

Gần đây, vào ngày 3/5/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành “Quy chế quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế”. Ngoài ra, sau khi ca Huế được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2015, tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện một số đề án quan trọng, trong đó có Đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc giai đoạn 2021 – 2025”. Tất cả cho thấy, các nhà quản lý đã và đang dành sự quan tâm đáng kể cho hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Hiện nay, việc tổ chức các show diễn ca Huế trên sông Hương do 12 doanh nghiệp tổ chức dịch vụ ca Huế đảm trách dưới sự thẩm định, giám sát của Sở Văn hóa và Thể thao cùng các cơ quan liên ngành. Đến nay, Sở đã thẩm định và chấp thuận 44 chương trình biểu diễn cho 12 doanh nghiệp. Các chương trình na ná nhau, mỗi chương trình có khoảng 15 bài, bao gồm các bài ca Huế, dân ca Huế và tân nhạc mang âm hưởng Huế, doanh nghiệp và nghệ sĩ có thể lựa chọn các bài trong chương trình đã được thẩm định để biểu diễn. Thời hạn của mỗi chương trình được phép biểu diễn là một năm. Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức show diễn theo đúng chương trình đã được thẩm định, nếu có sự thay đổi về con người (nghệ sĩ), tiết mục thì sẽ bị tổ kiểm tra liên ngành xử phạt [1].

 Biểu diễn ca Huế trên sông Hương. Ảnh: Nhật Minh

Có thể nhận thấy, giữa cách quản lý này và thực tế còn có khoảng cách. Thời hạn của mỗi chương trình được cấp phép là một năm, trong một năm đó, bao nhiêu chuyện có thể xảy ra khiến chương trình buộc phải thay đổi. Thực tế cho thấy, nhu cầu của du khách là khác nhau, nếu chỉ diễn những bài trong chương trình được duyệt thì có thể phù hợp với đoàn khách này, nhưng không phù hợp với đoàn khách khác. Nhưng nếu lấy phương châm “Khách hàng là thượng đế”, nghệ sĩ biểu diễn theo yêu cầu của khán giả thì sẽ bị xử phạt. Hoặc nếu một nghệ sĩ có thể bận hoặc đau ốm không thể đi diễn được thì cần phải thay thế người khác, như vậy là vi phạm quy định. Có trường hợp nghệ sĩ đi diễn thay không hát tốt bài trong chương trình nên phải biểu diễn một/những bài khác ngoài chương trình, nếu bị kiểm tra đột xuất thì sẽ bị xử phạt. Mặt khác, nếu biểu diễn theo một chương trình cố định (trong đó ghi rõ tiết mục gắn liền với tên nghệ sĩ) trong suốt cả năm thì dễ bị sa vào tình trạng “ca sĩ một bài”, điều này khiến nghệ sĩ dễ bị chai lì cảm xúc, không khuyến khích nghệ sĩ luyện tập, dẫn tới chất lượng biểu diễn không cao, nghệ thuật ca Huế vì thế cũng không được giữ gìn một cách tốt nhất. Cho nên, các quy định đưa ra nhưng vẫn chưa phù hợp với thực tế.

Việc hoàn toàn giao phó công tác tổ chức biểu diễn cho các doanh nghiệp cũng gây ra một số bất cập. Nguyên tắc trong kinh doanh là đề cao lợi nhuận nên các doanh nghiệp cạnh tranh nhau hạ giá sản phẩm để thu hút được nhiều khách hàng. Họ hạ giá thù lao cho các nghệ sĩ thấp đến mức thảm hại khiến nghệ sĩ khó giữ được sự hứng thú với công việc, dẫn tới việc chất lượng biểu diễn không cao. Thù lao thấp khiến chất lượng nghệ sĩ cũng thấp, tình trạng “ca sĩ một bài” vẫn còn tồn tại. Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế vẫn tiến hành đi kiểm tra thường xuyên và đột xuất [2], song chỉ có thể đánh giá về hình thức chứ không phải chất lượng, và về lâu dài không thể mãi quản lý bằng cách kiểm tra và xử phạt.

Cần nhìn nhận rằng, đối tượng khán giả hiện đã được mở rộng hơn nhiều so với ngày xưa. Họ là khách du lịch đến từ muôn phương với các “font” văn hóa khác nhau, nhu cầu khác nhau, trình độ thẩm âm khác nhau... Đa số chưa bao giờ tiếp xúc với ca Huế, họ đến đây chỉ để trải nghiệm không khí du thuyền trên sông Hương và một chương trình âm nhạc có tính giải trí. Song bên cạnh đó cũng có dòng khách hạng sang, họ sẵn sàng bỏ tiền gấp nhiều lần để hưởng dịch vụ tốt hơn, cả về không gian diễn xướng lẫn chất lượng nghệ thuật. Khi đối tượng khách phong phú thì chúng ta cần đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách.

Ca Huế trên sông Hương sau nhiều thập kỷ tồn tại đã tạo được thương hiệu du lịch độc đáo, đó là điều đáng mừng cho ngành du lịch Huế, cho người dân địa phương. Chúng tôi mong chờ các biện pháp quản lý nhanh chóng được áp dụng hiệu quả, sát với thực tế để hoạt động này sớm đi vào quy củ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách, góp phần phát triển kinh tế du lịch của vùng đất Cố đô.

[1] Theo ông Dương Hồng Lam – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế.

[2] N.Minh, Kiểm tra đột xuất hơn 620 xuất diễn Ca Huế trên sông Hương, https://baothuathienhue.vn, truy cập ngày 20/9/2024.

TS. Phan Thuận Thảo (Học viện Âm nhạc Huế)