Hệ thống thiết bị công nghệ truyền dẫn thông tin thiên tai lũ lụt

Tăng cường, mở rộng hệ thống đo mưa tự động

49 trạm đo mưa tự động này ứng dụng công nghệ cao, tự động báo số liệu mưa, thời gian mưa và cập nhật số liệu lên trang web của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh một cách nhanh chóng, tiện lợi. Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã tích hợp Vrain vào ứng dụng Hue-S của Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC), kết nối kết quả đo mưa tự động vào hệ thống dùng chung của tỉnh, phục vụ cộng đồng nhân dân có hành động sớm ứng phó thiên tai, mưa lũ.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, hệ thống trạm đo mưa tự động đã cung cấp số liệu kịp thời phục vụ đắc lực công tác cảnh báo sớm cũng như chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai. Hỗ trợ các địa phương, đơn vị chủ động hơn trong việc triển khai các phương án ứng phó ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, giúp người dân nắm bắt tình hình mưa lũ để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại.

Quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện

Với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện dự án “Vận hành hồ chứa nước trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện”. Thông qua hệ thống thiết bị và hệ thống thông tin được thiết lập, cơ quan quản lý, vận hành liên hồ chứa sẽ nắm được theo thời gian thực tình hình lượng mưa, lũ trên sông, đập thủy điện trên lưu vực sông Hương, bao gồm lượng mưa, phân bố lượng mưa nhờ thiết bị đo mưa và radar X-band; mực nước và lưu lượng tại các điểm chính trên sông; tình hình lũ, ngập lụt trên các tuyến sông;…

Từ những thông số đầu vào thu thập được, thông qua các mô hình tính toán, hệ thống sẽ dự báo được tình hình ngập lụt, đề xuất phương án vận hành đập nhằm đảm bảo an toàn đập và giảm thiểu tình hình ngập lụt ở vùng hạ du; đề xuất các phương án vận hành đập để chống hạn, cung cấp nước và phát điện trong mùa khô. Hệ thống đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ công tác chỉ đạo vận hành hồ chứa an toàn, giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra, nhất là các đợt mưa lũ lớn tháng 10/2022 và tháng 11-12/2023.

Ứng dụng công nghệ

Đến nay, cơ quan phòng, chống thiên tai của tỉnh đã xây dựng được bản đồ số hóa hệ thống các công trình đê điều, hồ đập; bản đồ ngập lụt do nước dâng cho khu vực ven biển khi có tình huống bão mạnh và siêu bão đổ bộ; bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá khu vực miền núi. Kết nối phòng họp trực tuyến của UBND tỉnh với Chính phủ và các bộ, ngành để tổ chức các cuộc họp trực tuyến, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của Chính phủ, các bộ ngành trung ương đến địa phương.

Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã triển khai xây dựng, lắp đặt 8 hệ thống cảnh báo lũ thông minh tại các địa bàn thấp trũng, đông dân cư, thường xuyên bị ngập lụt ở Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy và thành phố Huế. Mới đây, Văn phòng lắp đặt 2 cụm loa còi hụ tự động phát tín hiệu cảnh báo theo các cấp báo động lũ, bán kính cảnh báo đến 5km đặt khu vực đô thị tập trung ở Trung tâm Hành chính tỉnh và khu tái định cư Hương Sơ, sẽ đưa vào sử dụng trong mùa mưa bão năm 2024.

Từ năm 2020, Trung tâm IOC Huế đã phối hợp chia sẻ truyền hình ảnh các camera giám sát tình hình mưa bão, lũ lụt, ngập úng, giao thông từ hiện trường, cung cấp hình ảnh trực quan giúp các cơ quan chức năng quan sát được các vị trí xung yếu, thấp trũng như Đập Đá, Cầu Lòn, hai bờ sông Hương,... Bên cạnh đó, Trung tâm này cũng đã tích hợp cơ sở dữ liệu di dời sơ tán dân trong các tình huống thiên tai, các lớp cơ sở dữ liệu hồ chứa nước vào hệ thống thông tin GIS-Hue. Thông tin mực nước, lượng mưa và ngập lụt trên Hue-S đã phục vụ rất hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh và cung cấp thông tin kịp thời cho người dân chủ động phòng ngừa, ứng phó.

Về truyền tin dự báo, cảnh báo thiên tai, từ nhiều năm nay, cơ quan phòng, chống thiên tai từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản đã sử dụng các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber,... kết hợp các phương pháp truyền thống như gửi tin nhắn SMS, bản tin Fax, email, hệ thống phát thanh truyền hình, loa đài ở cơ sở. Nhờ đó, thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai từ Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành trung ương và của tỉnh về triển khai phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã đến với cộng đồng và người dân một cách chính thống và nhanh chóng.

Có thể thấy, nhờ sự hỗ trợ đắc lực của khoa học và công nghệ, công tác dự báo, cảnh báo và truyền tin thiên tai trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng sát với tình hình thực tiễn, nhanh chóng và tiện lợi, góp phần nâng cao hiệu quả rõ rệt trong công tác chỉ đạo điều hành ứng phó, hạn chế và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân do thiên tai gây ra.

NGUYỄN ĐÍNH