Không phải ai bay flycam cũng nắm rõ các quy định |
Không phải ai cũng nắm rõ quy định bay
Việc đặt mua một chiếc flycam trên mạng xã hội hay mua tại cửa hàng công nghệ vô cùng dễ dàng. Tùy vào túi tiền, người sử dụng có thể chọn cho mình một chiếc ưng ý. Từng sở hữu nhiều chiếc flycam, bạn trẻ Nguyễn Anh (TP. Huế) nói rằng, nếu như ngày trước việc tiếp cận flycam là điều khó khăn thì bây giờ vô cùng đơn giản, chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng là có thể mua mới hoặc mua lại một chiếc flycam để vừa chụp hình, vừa quay phim “tẹt ga”.
Theo Nguyễn Anh, không riêng gì Huế mà khắp các tỉnh, thành trên cả nước, flycam giờ đây quá phổ biến. Các công ty sự kiện, các nhiếp ảnh gia, hay một người đam mê công nghệ… đều có thể sở hữu flycam để phục vụ vào nhiều mục đích khác nhau.
“Nếu như máy ảnh phải di chuyển bằng chân để có nhiều góc phía bên dưới thì flycam được người chơi điều khiển bay trên không để tìm những góc chụp, góc quay mới, đẹp và hấp dẫn. Đó cũng là lý do mà rất nhiều người sẵn sàng chi tiền sắm flycam", Nguyễn Anh nói.
Riêng với Huế, là vùng đất có rất nhiều thắng cảnh đẹp, thường xuyên diễn ra các lễ hội lớn nên việc sắm flycam với nhiều người đam mê nhiếp ảnh cũng là điều dễ hiểu. Thực tế những hình ảnh, đoạn phim quay chụp từ flycam khi tung lên trên các nền tảng số đã tạo được hiệu ứng thị giác vô cùng mạnh mẽ, cuốn hút người xem.
Thế nhưng khi hỏi về việc nơi nào được bay, nơi nào không cũng như các quy định về việc cấp phép bay flycam thì Nguyễn Anh tỏ ra lúng túng. Theo Anh, ngoài một vài sự kiện có thông báo “cấm bay flycam”, còn lại cứ thế thoải mái bay dù đó là chương trình, lễ hội đông người hay ít người.
“Có một vài trường hợp flycam rơi nhưng rất may không trúng ai. Cũng có trường hợp nhiều người chơi flycam bị lực lượng chức năng nhắc nhở, đề nghị không được bay. Nói chung việc sở hữu flycam thì đơn giản, nhưng nắm rõ quy định thì không phải ai cũng am hiểu”, Anh thừa nhận.
Từng dự nhiều sự kiện lễ hội quan trọng ở Huế, ngoài các flycam được phép của ban tổ chức bay để ghi hình ảnh, chúng tôi chứng kiến rất nhiều flycam khác cùng lúc xuất hiện trên bầu trời. Ngoài những chiếc flycam bay tầm cao, có những chiếc bay rất thấp, bằng mắt thường có thể thấy rõ và nghe được tiếng ồn của cánh quạt.
“Rất nguy hiểm nếu có điều gì đó không may xảy ra khi chiếc flycam rơi”, một người tham dự lễ hội đường phố trong sự kiện Festival Huế 2024 đã từng lo ngại khi chứng kiến cùng lúc nhiều chiếc flycam bay trên đầu mình. Thường các lễ hội như thế có hàng ngàn người tham dự, với khoảng không gian rộng lớn nên việc kiểm soát flycam theo người này cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Bởi lẽ dù công nghệ hiện đại đến đâu thì vẫn có những rủi ro không thể lường trước.
Muốn bay phải xin cấp phép
Đến thời điểm hiện tại, việc quản lý flycam vẫn theo Nghị định 36/2008/NĐ-CP “về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ”.
Đại tá Lê Huy Nghĩa - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho hay: Ngoài Nghị định 36 của Chính phủ, việc quản lý các phương tiện bay không người lái, các phương tiện bay siêu nhẹ còn căn cứ vào văn bản hợp nhất số 12 của Bộ Quốc phòng, Thông tư số 35 của Bộ Quốc phòng liên quan đến vấn đề này.
Theo Đại tá Nghĩa, hiện nay Bộ CHQS tỉnh quản lý phương tiện bay theo 2 kênh. Kênh thứ nhất, hàng ngày thu thông báo bay từ trực ban phòng không quân khu; thông báo, dự báo bay trong ngày của trực ban phòng không tỉnh, thông báo đến các đơn vị và phân đội trực sẵn sàng chiến đấu.
Kênh thứ hai, căn cứ công văn của Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu về việc cấp phép bay, phương tiện bay không người lái cho các cá nhân, tổ chức thực hiện theo nhiệm vụ. Sau khi có giấy phép bay, các tổ chức, cá nhân đến Bộ CHQS tỉnh để đăng ký sử dụng phương tiện bay không người lái hiệp đồng về thời gian bay, khu vực bay, tổ chức bay theo nội dung cấp phép. Bộ CHQS tỉnh căn cứ vào cấp phép bay và các quy định để thông báo cho các đơn vị hiệp đồng trong phạm vi cấp phép để quản lý, theo dõi hoạt động bay theo đúng quy định.
Trường hợp vi phạm, Bộ CHQS tỉnh xử lý theo Chỉ lệnh 750 năm 2021 của Bộ Tổng tham mưu về xử lý tác chiến phòng không và phối hợp với công an địa phương để xử lý theo quy định hiện hành.
Đại tá Nghĩa cho biết thêm: Khi muốn tổ chức bay, cá nhân hay tổ chức phải nộp hồ sơ xin phép bay gồm đơn đề nghị cấp phép bay, tài liệu kỹ thuật về phương tiện bay bao gồm ảnh chụp kiểu loại tàu bay và bản thuyết minh tính năng kỹ thuật hàng không của loại tàu bay hoặc phương tiện bay đó; giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho tàu bay, phương tiện bay thực hiện cất, hạ cánh tại sân bay, khu vực mặt đất, mặt nước; các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến tàu bay và phương tiện bay gửi về Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu để tiến hành cấp phép theo đúng quy định.
“Sau khi có công văn cấp phép bay cho các tổ chức, cá nhân đến Bộ CHQS tỉnh để đăng ký sử dụng phương tiện bay không người lái, hiệp đồng về thời gian, khu vực bay, tổ chức bay theo đúng nội dung cấp phép. Nếu vi phạm sẽ xử lý theo Chỉ lệnh 750 năm 2021 của Bộ Tổng tham mưu về xử lý tác chiến phòng không và phối hợp với Công an địa phương để xử lý theo quy định của pháp luật”, Đại tá Nghĩa nhấn mạnh.